Tác động “kép” từ khai khoáng

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:55, 12/05/2020

(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo quy định, từng bước đưa hoạt động khoáng sản vào nề nếp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhiên liệu cho việc phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, giảm thiểu tác động tiêu cực do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Khi Luật Khoáng sản năm 2010 được đưa vào thực hiện, đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã cấp 34 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 32 Giấy phép khai thác khoáng sản. Kết quả của việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, lập phê duyệt quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản, tiếp nhận thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản và cấp phép khoáng sản, trong thời gian qua đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực

 

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên cho biết: Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và việc ban hành đồng bộ, kịp thời hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động cấp phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được kết quả tích cực, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và ổn định hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những vướng mắc gây khó khăn trong công tác cấp phép khoáng sản như: Công tác cấp phép và quản lý khai thác khoáng sản hầu hết các loại khoáng sản phân bố trên diện rộng, chủ yếu ở khu vực miền núi, nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, xa xôi, không tập trung nên khó khăn trong việc xác định cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản của các cấp, các ngành. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản chưa làm thường xuyên, công tác quản lý hoạt động cấp phép khoáng sản còn nhiều khó khăn khi các tài liệu điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản còn thiếu tính định lượng để làm cơ sở cho việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

 

Hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại một số địa phương gây nhiều hậu quả nghiêm trọng dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý, việc khai thác trái phép cát, sỏi, ở các nhánh sông, suối với quy mô hộ gia đình khai thác nhỏ, lẻ, tự phát, trữ lượng nhỏ, không thành mỏ nên chưa đáp ứng được những trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác theo quy định. Do đó, cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Bên cạnh đó, siết chặt quản lý và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục, trình tự cấp phép đối với các mỏ và điểm mỏ ở một số khu vực địa bàn khó quản lý, nhằm siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác trái phép, một mặt đảm bảo về an ninh, trật tự, tránh thất thoát nguồn tài nguyên của đất nước.

 

Ngoài ra, một trong những khó khăn của việc cấp phép khai thác khoáng sản khác là lực lượng cán bộ cấp huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về số lượng, trình độ chuyên môn do còn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn thiếu, nên chưa phát hiện kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Vì lợi nhuận nên việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của mỗi người dân để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại Điện Biên góp phần thu nộp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, trong đó, thuế tài nguyên là hơn 10 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là trên 3 tỷ đồng và tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hơn 700 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp trên 1 tỷ đồng.

Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế và khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản có tác động mạnh mẽ đến môi trường sống. Đặc biệt, khoáng sản là một loại tài nguyên có hạn, do đó, muốn khai thác khoáng sản, phải được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và hơn bao giờ hết là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và ý thức của mỗi doanh nghiệp, hộ cá nhân khi tham gia khai thác khoáng sản tại tỉnh Điện Biên.

Bài và ảnh: Hoàng Châu