Đồng Nai đẩy mạnh quản lý về bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:10, 07/05/2020

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các “điểm nóng” về bảo vệ môi trường, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường bảo vệ môi trường tại các KCN

Hiện nay, tổng lượng nước thải phát sinh thực tế tại 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào khoảng 120.637 m3/ngày, trong  đó, có 1.223 cơ sở đã thực hiện đấu nối, xử lý nước thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) của các KCN với lưu lượng nước thải khoảng 91.138 m3/ngày. Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 25/25 KCN có đủ lượng nước thải vận hành HTXLNTTT đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT Đồng Nai theo dõi, giám sát, đạt tỷ lệ 100%.

Đồng Nai rất quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN nhằm kiểm soát chặt chất lượng nước thải sau xử lý

Đến nay, 31/31 KCN đều đã xây dựng HTXLNTTT, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN. Để tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý nước thải tại các KCN; ngoài việc giám sát chất lượng nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của 31 KCN do Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì thực hiện; định kỳ 2 lần/năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai phối hợp kiểm tra, giám sát việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong KCN. Qua kết quả giám sát định kỳ về chất lượng nước thải sau xử lý tại các KCN cơ bản được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nước thải tại các KCN, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở TN&MT Đồng Nai thực hiện rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn về nước thải, khí thải và yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 17/17 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải trên 1.000 m3/ngày (không bao gồm các chủ đầu tư các KCN) đã thực hiện lắp đặt quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN&MT.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong năm 2019, các nhiệm vụ, dự án về bảo vệ môi trường đã được thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt, Đồng Nai đã đạt chỉ tiêu 100% KCN có lượng nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; cơ bản kiểm soát được lưu lượng và chất lượng nước thải từ các KCN và các nguồn thải lớn. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường cũng đã được Đồng Nai đẩy mạnh và tăng cường, từ đó, nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần tích cực thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Giám sát chặt “điểm nóng” về môi trường

Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, quy định 6 nhóm đối tượng phải thực hiện quan trắc tự động nước thải, cụ thể quy định quy mô xả thải được tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải. Do vậy, trong năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo Sở TN&MT triển khai rà soát lại toàn bộ các đối tượng phải thực hiện lắp đặt quan trắc tự động nước thải trên cơ sở theo công suất hệ thống xử lý nước thải.

Theo thống kê đến tháng 1/2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 64 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động khí thải theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 11/64 cơ sở thuộc đối tượng bắt buộc đã lắp đặt quan trắc tự động khí thải với tổng số trạm quan trắc là 16 trạm, có 9/11 cơ sở đã truyền dữ liệu quan trắc tự động khí thải về Sở TN&MT Đồng Nai với 13 trạm quan trắc, còn lại 53 cơ sở thuộc đối tượng bắt buộc nhưng chưa thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT Đồng Nai.

Trong năm 2019, Sở TN&MT Đồng Nai đã tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch đã được phê duyệt; đồng thời, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai cũng như phản ảnh của người dân. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trong năm 2019, Đồng Nai đã phát hiện và xử lý 136 trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh với tổng số tiền xử phạt là 4,4 tỷ đồng.

Trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo thực hiện rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục khí thải; tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ các "điểm nóng" về bảo vệ môi trường; triển khai kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ phát sinh gây ô nhiễm môi trường cao. Qua đó, Đồng Nai kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, hạn chế hình thành các "điểm nóng" về môi trường trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường trên địa bản tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả, các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường đã được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đến công tác quan trắc các thành phần môi trường, kịp thời phản ánh chất lượng môi trường để các cấp chính quyền ra quyết định quản lý, công khai cảnh báo cộng đồng về chất lượng môi trường để có những biện pháp thích ứng phù hợp; đồng thời, quan tâm đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, nhất là quan trắc tự động liên tục để theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường.

Thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp

Trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa những nội dung, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 theo Nghị quyết số 185 ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Đề án Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 để tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2020. Quá trình thực hiện phải thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc; đồng thời, theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện.

Trong đó, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2020 đề ra, Sở TN&MT Đồng Nai được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, UBND TP. Long Khánh và UBND TP. Biên Hòa tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường do HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai ban hành không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới về môi trường.

Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng các tuần lễ bảo vệ môi trường và các ngày lễ kỷ niệm ngành TN&MT; tiếp tục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường năm 2020 theo Chương trình Liên tịch được ký kết; triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án tổng thể về truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học.

Trong năm 2020, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa chịu trách nhiệm về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại đạt 100%; chất thải rắn công nghiệp không nguy hại đạt 100%; đôn đốc để đưa vào vận hành các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các khu xử lý theo quy hoạch; đồng thời, tổ chức kiểm tra, theo dõi chất lượng nước thải tại các hệ thống xử lý tập trung của KCN đảm bảo 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường và 100% KCN có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Ngoài ra, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ phối hợp Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, UBND TP. Long Khánh và UBND TP. Biên Hòa tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành HTXLNTTT của các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN; đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN; giám sát việc xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN.

Bài và ảnh: Tường Tú