Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia 2019: Nhận diện nguồn gây ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 14:05, 05/05/2020

(TN&MT) - Theo dự thảo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019 của Bộ TN&MT, có hai nguồn gây ô nhiễm môi trường, đó là từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước và từ bên ngoài.

Áp lực lớn từ nội tại

Sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước được thể hiện rõ qua sự hình thành và hoạt động của các Khu Công nghiệp (KCN), Cụm Công nghiệp (CCN), làng nghề, khu đô thị, dân cư tập trung. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 372 KCN đã được thành lập (cả trong và ngoài Khu Kinh tế (KKT) ven biển) trong đó có 280 KCN đã đi vào hoạt động (tăng 29 KCN so với năm 2018) và 92 KCN đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản; 698 CCN đang hoạt động (tăng 9 CCN so với năm 2018).. Khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có 2.009 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (tăng 170 làng so với năm 2018); có 833 đô thị (tăng 20 đô thị so với năm 2018), tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018.

Song song với sự tăng lên về số lượng của các Khu, Cụm Công nghiệp là sự tồn tại của những dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hoá dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thuỷ sản, giết mổ gia súc, gia cầm... Trong đó, hiện có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy; 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt là 18.294 MW; 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên…Nhiều cơ sở có nguồn phát thải lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Dự án “Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng”...

Đáng lo ngại, tính đến tháng 12/2019, trên phạm vi cả nước còn 171 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi: cả nước có khoảng 31.668 trang trại nông nghiệp, trong đó, có khoảng 19.639 trang trại chăn nuôi (giảm 1.230 trang trại so với năm 2018); khoảng 467 triệu con gia cầm (tăng 14,2% so với năm 2018), hơn 24 triệu con lợn (giảm 13% so với năm 2018). Khối lượng phân bón sử dụng khoảng 800 - 1.000kg/ha/năm; khối lượng thuốc bảo vệ thực vật là 1,6 - 2kg/ha/năm. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại; phát sinh 11.000 tấn bao gói thực vật. Năm 2019, phụ phẩm từ một số loại cây trồng chính phát sinh khoảng 94.715 nghìn tấn, trong đó cây lúa có lượng phụ phẩm lớn nhất là 52.140 nghìn tấn, cây mía là 16.914 nghìn tấn, các loại khác như sắn, ngô, cà phê, đậu tương khoảng 25.661 nghìn tấn.

Đối với hoạt động xây dựng, việc xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới 25, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng...diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2019, tổng diện tích nhà ở tăng lên khoảng 50 triệu m2. Hiện cả nước cũng có 82 dây chuyền sản xuất xi măng với sản lượng ước đạt trên 100 triệu tấn (tăng 4,1 triệu tấn so với năm 2018); 93 cơ sở sản xuất gạch ốp lát với tổng công suất thiết kế là 821,6 triệu m2/năm; 26 cơ sở sản xuất sứ vệ sinh với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 26,55 triệu sản phẩm/năm. Việt Nam cũng có 8 cơ sở sản xuất kính với sản lượng khoảng 308 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, là một trong 5 nước có sản lượng kính lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, lượng phương tiện giao thông vẫn không ngừng gia tăng. Năm 2019, trên phạm vị cả nước có 3.673.065 xe ô tô đang lưu hành (tăng 12,2% so với năm 2018); 3.768.601 xe mô tô, xe máy, ô tô được lắp ráp, sản xuất hoặc nhập khẩu mới (giảm 1,8% so với năm 2018); vận tải hành khách đạt 5.143,1 triệu lượt (tăng 11,2% so với năm 2018). Hoạt động giao thông vận tải được xem là nguồn gây ô nhiễm trường không khí, đặc biệt ở các khu vực đô thị có mật độ giao thông cao.

Các Khu, Cụm Công nghiệp, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Minh

Chịu tác động từ các yếu tố ngoại sinh

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, năm 2019, số lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm đáng kể so với năm 2018 nhưng vẫn còn rất lớn.Số liệu tính đến tháng 11/2019, số lượng container phế liệu được lưu giữ tại cảng biển của Việt Nam là 8.748 container, giảm 17.567 container so với năm 2018. Trong đó, có 3.102 container được lưu dưới 30 ngày, 46 container lưu tại kho, bãi từ 30 - 90 ngày và 5.600 container tồn đọng tại kho, bãi, cảng trên 90  ngày.

Nhìn một cách rộng hơn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội, sản xuất, thay đổi nền tảng quản lý môi trường dựa trên công nghệ internet vạn vật. Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới thân thiện với môi trường,…đã bước đầu thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Điều hiện hữu là biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, tác động mạnh đến môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an ninh sinh thái, an ninh lương thực, là nguy cơ hiện hữu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước của Việt Nam. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta ngày càng phức tạp, khó lường hơn.

Cùng với đó, các vấn đề môi trường theo lưu vực sông (LVS) Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới, trên biển vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp. Các công trình thủy điện và các đập của các nước có chung LVS với Việt Nam đã làm thay đổi dòng chảy, giảm luồng trầm tích, sụt giảm phù sa, gia tăng mất mát đa dạng sinh học mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ sông, lòng sông, xâm nhập mặn, tác động tích lũy xuyên biên giới đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta.

Trên biển, vấn đề nhận chìm, đổi thải chất thải trên biển vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là rác thải nhựa, ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải trên biển và sự cố tràn dầu trên biển Đông ảnh hưởng tới các vùng ven biển ở nước ta.

YÊN THI