Chuyển dịch đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Đất đai - Ngày đăng : 12:32, 05/05/2020
Hiệu quả cao
Ngày 13/11/2019, Bộ TN&MT đã phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2018 (tính đến ngày 31/12/2018) là: Diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.289.454 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.773.750 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 2.060.393 ha.
Nhìn vào các số liệu này cho thấy từ năm 2011 - 2018, diện tích nhóm đất chưa được sử dụng được đưa vào sử dụng là hơn 1 triệu ha (từ 3.073.958 ha xuống còn 2.060.393 ha). Điều này cho thấy, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vào các mục đích khác nhau đã và đang được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp tăng từ 26.280.548 ha lên 27.289.454 ha và diện tích nhóm đất nông nghiệp tăng từ 3.740.604 ha lên 3.773.750 ha.
Theo nghiên cứu về biến động diện tích các loại đất giai đoạn 1994 - 2016 của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, đối với đất nông nghiệp có sự thay đổi đáng kể theo hướng tăng lên cả đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản nhờ đẩy mạnh khai hoang, thủy lợi đi đôi với cải tạo đất.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2001 đến nay, mặc dù, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã tăng mạnh (từ 8,88 triệu ha lên 11,53 triệu ha, nhưng diện tích đất lúa lại giảm từ trên 4,34 triệu ha xuống còn 4,14 triệu ha), kèm theo đó là sự tăng lên của đất cây hàng năm khác và cây lâu năm.
Tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Ảnh: MH |
Đặc biệt, việc giảm diện tích đất lúa có nguyên nhân một phần do đô thị hóa và công nghiệp hóa đã chuyển một phần đất nông nghiệp (trong đó có đất lúa) sang đất phi nông nghiệp, phần còn lại là do hiệu quả của trồng lúa thấp, không mang lại thu nhập hấp dẫn như nuôi tôm, thủy sản nước ngọt, trồng cây ăn quả, rau màu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi…
Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp tại các địa phương được tổ chức sản xuất với nhiều hình thức khác nhau như: Hộ gia đình, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp… chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn sẽ thúc đẩy phát triển hình thức trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.
Đồng thời, việc tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những yếu tố tạo điều kiện hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế về quy mô, do khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, mở rộng diện tích canh tác, tránh lãng phí đất; có khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là cơ giới hóa… Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần làm giảm chi phí xã hội, thuận lợi hơn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn.
Ở Hà Nam, thực tính đến cuối năm 2019, sau gần 2 năm áp dụng hình thức tích tụ, tập trung đất đai, tỉnh đã quy hoạch 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 650 ha, tích tụ trên 375 ha đất cho doanh nghiệp thuê, thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch. Các khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào sản xuất, trở thành hạt nhân liên kết chuỗi với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch.
Hiện nay, có 81 xã tổ chức tích tụ, tập trung, liên kết sản xuất trên diện tích hơn 1.600 ha của hơn 5.270 hộ, với 151 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả tham gia chuỗi liên kết. Toàn tỉnh đã thành lập mới 13 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, 24 cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất và sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Chuyển dịch đất nông nghiệp là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: MH |
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy chuyển dịch đất nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững là việc làm cần thiết, để góp phần đẩy nhanh tiến trình này, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và các mô hình trang trại, hoạt động theo cơ chế thị trường…
Đặc biệt cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo quỹ đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất theo hướng hình thành các khu, vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm ổn định đời sống, việc làm cho người nông dân. Đổi mới chính sách đất đai theo hướng tiếp tục làm rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về đất đai ở trung ương và địa phương đối với từng loại đất và sự phân cấp trong quản lý;
Nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ theo hướng có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Đảm bảo tính ổn định và bình đẳng trong tiếp cận đất đai và tài nguyên rừng. Hoàn thiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp)… Hoàn thiện chính sách thuế đối với đất nông nghiệp nhằm khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khắc phục tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích, khuyến khích các nhà đầu tư trong nông nghiệp sử dụng đất có hiệu quả.
Ngoài ra, xúc tiến thành lập ngân hàng đất đai để tiến hành các giao dịch mua, bán quyền sử dụng đất trên thị trường đất đai. Ngân hàng mua lại quyền sử dụng đất của những người nông dân muốn bán và bán lại cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc thị trường, quan hệ cung - cầu về quyền sử dụng đất ở mỗi vùng, địa phương.
Theo kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2011 (tính đến ngày 1/1/2012) của Bộ TN&MT cho thấy: Diện tích nhóm đất nông nghiệp là 26.280.548 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.740.604 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 3.073.958 ha.