Thu hồi là xong chuyện?

Xã hội - Ngày đăng : 12:29, 05/05/2020

(TN&MT) - Không thể phủ nhận ngành tư pháp đã, đang rất nỗ lực hoàn thiện bộ khung pháp luật. Tuy vậy, vẫn còn nhiều “hạt sạn” cần dọn dẹp trên con đường xây dựng hệ thống luật pháp quốc gia.

Câu chuyện ra văn bản rồi lại thu hồi “sửa sai” đang ngày một nhiều lên, trong khi chế tài xử lý người ký văn bản lại chưa đầy đủ. Mới đây (29/4), Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản cấm du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch… Văn bản này lập tức “dậy sóng”, bởi nó đi ngược với quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Và chỉ 2 ngày sau, cũng lại là đơn vị này ra văn bản khác chỉ để… hủy văn bản trước đó. Rõ ràng, với một văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có “đời sống" vỏn vẹn tính bằng ngày đã phát lộ rõ rất nhiều vấn đề cần suy ngẫm trong việc ban hành các quy định của pháp luật.

Sự việc trên cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, bởi trên thực tế, đã có nhiều trường hợp quy định pháp luật bất cập, thiếu tính thực tiễn, vừa ban hành đã phải thu hồi ngay lập tức vì bị người dân phản đối, hoặc lặng lẽ “bỏ xó” như chưa bao giờ ra đời. Nghiêm trọng hơn từ những văn bản, chính sách đó, rất dễ gây xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống chính sách pháp luật.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh “thể chế là số một”. Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.Đơn cử trong năm 2019, riêng tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 580 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và khoảng 4.300 văn bản của chính quyền cấp tỉnh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản có quy định trái pháp luật (13 văn bản cấp Bộ và 152 văn bản cấp tỉnh). Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ đời sống kinh tế, xã hội là điều khó tránh khỏi.

Xử nghiêm lỗi đánh máy sai

Người đứng đầu Chính phủ cũng không ít lần nhắc tới hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin - cho, dẫn đến có dự thảo Nghị định phải trả đi, trả lại nhiều lần. Có tình trạng văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, thậm chí, văn bản được ban hành có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng. Thủ tục hành chính còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, chi phí không chính thức... thủ tục trói buộc kiểu “không quản được thì trói, không quản được thì buộc”.

Chưa kể nhiều trường hợp “đánh trống bỏ dùi”, làm cho có, thực thi không nghiêm minh, thiếu công bằng, đã dẫn đến tình trạng nhờn luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp luật nói một đằng, các cơ quan thực thi lại hướng dẫn một kiểu dẫn đến việc người dân hay doanh nghiệp hoang mang không biết phải tuân thủ theo luật hay theo các cơ quan thực thi?!

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân như luật không được phổ cập, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được luật, luật chồng chéo hay mỗi nơi mỗi khác dẫn đến không biết áp dụng thế nào. Luật dù quá nhiều, quá dày nhưng không bao trùm hết được thực tế, người dân còn thiếu ý thức tôn trọng và tuân thủ… cũng dẫn đến tình trạng luật pháp “xa rời” cuộc sống.

Khó có thể chỉ hết được các bất cập, song, hơn hết, với người làm luật, quan trọng nhất là quy trách nhiệm. Cá nhân những người xây dựng, soạn thảo, ban hành luật phải chịu trách nhiệm và bị xử lý khi làm sai, mới hết tình trạng người năng lực yếu cứ làm bừa, cắt bớt quy trình, các bước xây dựng luật, xén khâu thẩm định, bỏ quên thực tế. Còn dễ dãi, xuê xoa, thỏa hiệp, không dám kỷ luật một ai, lo ngại không có người làm việc… “nhờn” luật là tất yếu.

Và không xử nghiêm, “lỗi đánh máy” sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn.                         

 

  Phương Anh