Thừa Thiên Huế: Khẩn trương di dời các hiện vật quý trong Kinh thành trước nguy cơ “biến mất”

Xã hội - Ngày đăng : 17:07, 02/05/2020

(TN&MT) - Hàng chục năm qua, các hiện vật quý thời chiến tranh như máy bay, xe tăng... trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Việc di dời sẽ được thực hiện khẩn trương trong tháng 5 này.

Những hiện vật quý đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế

Hư hỏng nặng

Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong Quốc Tử Giám (đường 23/8, phường Thuận Thành, TP. Huế), một công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Nơi đây, đang trưng bày hơn 30.000 tư liệu, hiện vật.

Ở không gian trưng bày ngoài trời với diện tích khoảng 2.000m2 có nhiều hiện vật kích thước, trọng lượng lớn lên đến hàng tấn. Đó là những hiện vật chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với chiến trường Trị - Thiên Huế như máy bay chiến đấu, pháo tự hành, xe tăng... Những ai đến tham quan Đại nội Huế chắn chắn sẽ nhìn thấy nhiều máy bay, xe tăng... nằm ngoài trời.

Theo tư liệu của Bảo tàng, ngày 26/3/1975, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã vứt bỏ hàng ngàn xe tăng thiết giáp, pháo, ô tô… để tháo chạy. Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương đã đưa một số hiện vật này ra trưng bày. Đến năm 1983, UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) chính thức thành lập Bảo tàng.

Khi mới được trưng bày, phần lớn hiện vật ở đây còn nguyên vẹn từ màu sơn đến chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, do để ngoài trời lại không có mái che nên đã chịu sự tác động của mưa nắng, khuôn viên bảo tàng không có hàng rào bảo vệ nên qua thời gian nhiều hiện vật bị hư hỏng. Với một số chiếc xe tăng, cán bộ bảo tàng phải nhặt gỗ, thép để chống, giữ cho hiện vật không bị đổ sụp xuống bệ.

Các xe tăng dần hư hỏng do chịu thời tiết khắc nghiệt

Qua quan sát, ở khu vực trưng bày hiện vật ngoài trời có ít nhất 6 xe tăng, 4 khẩu pháo, 4 máy bay, từ xe tăng M48 (gắn pháo tự hành trang bị cho quân Mỹ và quân đội VNCH, trong chiến dịch Xuân 1975, quân ta thu được ở Phú Bài, Huế); tăng M41 thu ở Thuận An, Huế… Các hiện vật xe tăng đã gỉ sét trầm trọng, một số chiếc bị mất các bộ phận như cần cẩu, xích. Hiện vật pháo nhiều khẩu mất bánh... Máy bay một chiếc bị vỡ kính.

Được biết, hầu hết hệ thống cơ sở vật chất, kho bảo quản của bảo tàng có diện tích nhỏ hẹp, trong khi đó, khối lượng hiện vật quá lớn nên xảy ra tình trạng ẩm thấp, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản tư liệu, hiện vật theo quy định chung.

Mặt khác, bảo tàng đang hoạt động trên không gian tận dụng của di tích nên việc thực hiện hoạt động chuyên môn của đơn vị chưa đạt hiệu quả tốt. Phương pháp, kỹ thuật bảo quản các hiện vật, tư liệu chủ yếu theo phương thức phổ thông, chưa được đầu tư; đặc biệt thiếu việc áp dụng những phương pháp, kỹ thuật bảo quản đối với các hiện vật quý...

Việc di dời xe tăng, máy bay... sẽ diễn ra trong tháng 5 này

Khẩn trương di dời

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất vị trí xây dựng bảo tàng mới tại 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP. Huế), nơi một đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đang đứng chân.

Theo ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế đã nhiều lần phản ánh với tỉnh việc hiện vật xuống cấp. Tỉnh cũng đã có chủ trương di dời trung tâm huấn luyện của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng lên thôn Hải Cát (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) để dành khu đất này làm bảo tàng. Tiến độ xây dựng trung tâm huấn luyện mới đang được đẩy nhanh, có thể chuyển Bảo tàng lịch sử đến địa điểm mới vào năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế về nơi mới với mục tiêu hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra bảo tàng trước khi di dời

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sư tỉnh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án di dời số hiện vật gồm xe tăng, máy bay, các loại pháo. Hoàn thành việc di dời hiện vật trưng bày ngoài trời trước 19/5 này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành di tích có phương án sớm hoàn thành việc di dời các hộ dân sống trong khu vực, trả lại hiện trạng cho di tích Quốc Tử Giám.

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, các hiện vật đều thuộc loại siêu trường siêu trọng nên sẽ được cẩu lên xe tải để di chuyển, các bộ phận cồng kềnh như cánh máy bay phải được tháo ra, sau khi đến vị trí mới sẽ được lắp lại. Hiện đơn vị đang lên phương án di dời một cách hợp lý nhất...

Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử mong bảo tàng sẽ sớm được chuyển lên địa điểm mới để tạo sự ổn định và phát triển lâu dài, tạo thêm sản phẩm du lịch theo tuyến lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, đền Huyền Trân...

Bài, ảnh: Văn Dinh