40 năm đi tìm cái đẹp

Văn hóa - Ngày đăng : 17:06, 02/05/2020

(TN&MT) - 40 năm làm nghề nhiếp ảnh, anh đã đi hầu hết các tỉnh thành trong nước, kể cả biên ải xa xôi và đảo Trường Sa. Để rồi phía sau hàng chục ngàn tấm ảnh chứa đầy mồ hôi và nước mắt là niềm vui sướng vô bờ với tư cách là người đi tìm cái đẹp. Anh bảo, cuộn gói trong những tấm ảnh “độc lạ” ấy, là niềm đam mê máu thịt chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim anh. Người 40 năm đi tìm cái đẹp ấy nhiếp ảnh gia Đỗ Trọng Hoài Ân.

Chân dung nhiếp ảnh gia Hoài Ân, ảnh Lê Khanh

Tay bấm máy mà mắt nhòe đi

Tôi tình cờ gặp nhiếp ảnh gia Hoài Ân trong buổi gặp mặt cộng tác viên Báo Bà Rịa Vũng Tàu chiều cuối năm. Khác với những “tay máy chuyên nghiệp” hoặc nghệ sĩ nhiếp ảnh được cho là “gạo cội” thường “trầm mặc” một góc ngồi, còn Hoài Ân khá năng động. Trong tay lúc nào cũng “kè kè” máy ảnh và sẵn sàng “chộp”, “bấm” bất cứ lúc nào. Anh bảo “Mỗi người mỗi tính, ăn thua là những tấm ảnh có sức sống thế nào thôi. Nhà mình 4 đời chụp ảnh cũng chưa thể nói đến “độ giỏi” nếu mình không chịu khó sáng tạo và miệt mài học tập”.

Tại nhà riêng của anh ở giữa con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Trỗi thành phố Vũng Tàu, anh Ân cho tôi xem hàng ngàn file ảnh chụp ở nhiều thời gian khác nhau. Mỗi file đều có nhiều tệp, mỗi tệp chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm có nhiều ảnh xếp theo chủ đề khác nhau. Có tấm ảnh mới chụp vài giờ, có tấm ảnh anh chụp 20 năm trước, có những tấm đã lưu trong máy 40 năm. Đó là những tấm hình chụp đen trắng bằng máy cơ cắt phim của thế kỷ trước. “Ngày ấy làm gì có máy ảnh “xịn” có thẻ nhớ như bây giờ mà chụp bằng phim rồi đem tráng ra. So với công nghệ hiện nay thì xưa chụp không nhanh như bây giờ.

Tác phẩm “Đảo Tiên nữ mùa lặng sóng”, ảnh Hoài Ân

Để có một tấm ảnh đẹp, phải mất nhiều thời gian “căn, lấy góc máy”, ấy là chưa kể đến tráng rửa phim. Vậy mà từ đời cố, ông, bố tôi đã lăn lộn với nghề này. Con tôi cũng theo nghề chụp ảnh. Còn tôi luôn coi chụp ảnh là hơi thở, là nhựa sống cho mình. Những bức ảnh đẹp, có khi tôi ngồi ngắm vài tiếng không chán. Để có những tấm ảnh sống động, tôi phải đi nhiều nơi, đến nhiều miền đất lạ. Mỗi tấm ảnh chứa nhiều giọt mồ hôi”- anh Ân chia sẻ.

Chỉ vào tấm ảnh “đảo Tiên nữ mùa lặng sóng”, anh bảo: “Tấm ảnh này tôi mới chụp năm 2019 lần ra Trường Sa cùng đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trong nhiều địa danh đặt chân, bấm máy, Trường Sa là nơi tôi xúc động nhất. Tay bấm máy mà mắt nhòe đi, nhất là nghe tiếng nhạc hồn tử sĩ vang lên trên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma năm 1988”.

Anh Ân kể, sau 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, tàu của Vùng 4 hải quân đưa đoàn công tác đến đảo Tiên Nữ- hòn đảo chìm giữa ngàn sóng trùng khơi. Mọi người chạy ào ra lan can tàu nhoài người về phía đảo. Lần đầu tiên đến Trường Sa, lần đầu tiên nhìn đất mẹ giữa đại dương xanh thẳm. “Dấu giọt nước mắt chực trào trên khóe, tôi đưa máy ảnh lên bấm. Mắt tôi nhòe đi. Tôi bậm môi để không bật ra tiếng nấc sợ mọi người bảo mình yếu đuối. Tấm ảnh chụp ở đảo Tiên Nữ chứa đầy nước mắt. Bây giờ cứ nhắc đến Trường Sa, tim tôi lại thổn thức, kỷ niệm về Trường Sa lại ùa về”, Hoài Ân hồi tưởng lại.

Kim Hải chiều cuối năm. ảnh Hoài Ân

Tôi xúc động “lặng người” khi nhìn tấm ảnh “Kim Hải chiều cuối năm”. Đó là tấm ảnh “lột tả” những lao động quê miền Tây sông nước làm thuê cho chủ một vựa hoa ở Làng hoa Kim Hải. Anh Ân kể, những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, trong khi người người nhà nhà tất bật lo những công việc cuối cùng trước phút giao thừa, thì 8 nhân công tất bật đội hoa để kịp thời cho ông chủ nhập ra thị trường.

Giọt mồ hôi thánh thót rơi ướt áo, nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi rói trên môi làm nốt công việc giúp chủ nhà đem hoa ra chợ. “Lúc đó tôi bấm máy trong khoảng khắc xúc động trong tâm trạng Tết đến Xuân về. Mấy người làm nhìn tôi cười bảo, anh ơi cho em xin tấm để gửi về cho vợ con nhé. Lúc đó thực sự tôi đã khóc vì thương họ”, anh Ân, nói.

Một tấm ảnh có chiều sâu tư duy, “độc” về bố cục khiến người xem đưa tay lên tim để đừng thổn thức, đó là tấm ảnh “Hòn bà về đêm”. Tấm ảnh này anh Ân chụp tối trước ngày Rằm tháng Giêng Xuân Canh Tý. Ân chia sẻ; “Hôm đó, tôi cùng nhiều anh em hầu như thức trắng để “rình” nước rút. Không kể xiết niềm vui khi nhìn lại khoảnh khắc “chộp” nó, nhưng khi hình lên, tôi rất hài lòng.

Niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn

Nhiếp ảnh gia Hoài Ân bắt đầu vào nghề năm 1980 của thế kỷ 20. Cho đến nay anh đã có “thâm niên” 40 năm lăn lộn với “bấm máy”. Hàng ngàn tấm ảnh gắn liền với ngần ấy sự kiện diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đủ để nói lên “độ dầy”, “độ sắc” của người làm ảnh chuyên nghiệp. Vậy mà Hoài Ân chưa bao giờ coi mình là “nghệ sĩ nhiếp ảnh”, chưa bao giờ “tự đại”. Trái lại, anh luôn miệt mài sáng tạo. Niềm đam mê và sức sáng tạo ấy được đo bằng những bước chân đến nhiều miền đất mới để cho “ra lò” những bức ảnh sống động, chân thực nhất; giản dị mà nhân bản nhất.

40 năm lăn lộn với nghề, Hoài Ân có nhiều tác phẩm được triển lãm ảnh mỗi mùa xuân đến do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố biển Vũng Tàu tổ chức. Những tấm ảnh được chọn triển lãm ấy, ít nhiều cũng đem lại thù lao. Nhưng để nuôi sống mình, anh phải “cày, bừa” để có thêm thu nhập như: chụp ảnh đám cưới, chụp ảnh người mẫu. Tôi hỏi: Nghề chụp ảnh có làm giàu được không anh?

- Ai nói nghề ảnh làm giàu? Nuôi bản thân mình là khá lắm rồi. Điều quan trọng là để lại cho đời, truyền lại cho con cháu mai sau cái nghề để không mai một. Thời này người ta chụp ảnh bằng điện thoại, nhưng nếu những tấm ảnh lưu lại kỷ niệm một thời không thể lãnh quên thì chẳng ai nỡ tiếc tiền không in tấm ảnh ấy ra làm kỷ niệm - Hoài Ân bộc bạch.

54 tuổi đời, 40 năm làm nghề nhiếp ảnh, Hoài Ân luôn tâm niệm một điều rằng, nghề ảnh ngàn người chọn một. Bên cạnh có “tố chất” nghệ sĩ nhiếp ảnh, quan trọng nhất là niềm đam mê máu thịt với nghề. “Nếu không có niềm đam mê, không sống chết với nghề, thì những tấm ảnh sẽ trở nên vô hồn, giống như hoa không hương sắc. Nghề chụp ảnh luôn luôn tạo cho mình sức hút, luôn thỏa sức cho đam mê, chắc chắn sẽ có những tấm ảnh để đời cho đời chiêm ngưỡng”- Hoài Ân chia sẻ.

, Săn ảnh của săn ảnh. ảnh Hoài Ân

Truyền lại đời sau

Sở dĩ anh có “thủ thuật” chụp những tấm ảnh đẹp như vậy chắc hẳn nghề nghiệp đã được lưu truyền từ đời trước? thay vì câu trả lời, anh Ân mở cuốn Album chỉ cho tôi xem một tấm hình đã rách mép và nhiều chỗ bị ố. “Đây là ba tôi. Ông chụp ảnh lúc 14 tuổi. Ba tôi cũng được ông nội truyền lại. Có nhiều nghề kiếm tiền dễ hơn, nhưng tôi muốn theo nghề này. Phần vì truyền thống của gia đình, phần vì muốn truyền lại cho con tôi”, anh Ân cho hay.

Nối tiếp nghề cha, cậu con trai cũng vào nghề ảnh. Để mưu sinh và sống với nghề, ngoài chụp ảnh sự kiện, anh Ân hướng dẫn cho con trai quay phim, dựng phim đám cưới. Có ngày chỉ ăn một bữa cơm lúc công việc đã xong. Có bữa chạy xe cả trăm cây số. Và không ít lần ngã giữa sườn núi, hoặc đi giữa mưa rừng khi chụp ảnh cho chú rể cô dâu. Thế mới biết nghề chụp ảnh cũng gian nan không kém nghề trèo cao trên mái nhà, hay cột điện. “Có bữa bấm máy giữa trời mưa, có hôm trượt chân ngã khi tạo cảnh cho cô dâu chú rể bên nhau giữa sườn Núi Lớn (Núi lớn Vũng Tàu-PV). Trong nghề mới thấy cũng người gian khổ chứ không phải lúc nào cũng “oai” như bấm máy trong khán phòng đám cưới”- Hoài Ân chia sẻ.

Điều trăn trở nhất gần 40 năm làm nghề chụp ảnh, anh muốn truyền lại cho thế hệ trẻ niềm đam mê của mình. Dẫu anh hiểu, nghề chụp ảnh đã gắn bó với gia anh bốn đời, đời con anh cũng theo nghề ảnh, nhưng đời cháu anh chắc gì đã yêu nghề. Bởi vậy, ngoài mưu sinh, niềm đau đáu trong tim anh là truyền lại nghề gia truyền của cha ông để lại.

Đồng hành trong mỗi tấm ảnh là một sự kiện lịch sử, hay chí ít nhất là “cảm hứng từ tim”; nhưng “cuộn gói” trong mỗi tấm ảnh đẹp về ánh sáng, độc về góc máy, lạ về khung hình, “thuần” về màu sắc là niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn. Nghề chụp ảnh là hơi thở, nhựa sống của cuộc đời tôi.

Lê Khanh