“Mắt biển” canh giữ Trường Sa

Biển đảo - Ngày đăng : 21:01, 29/04/2020

(TN&MT) - Một người con xứ Nghệ hơn 25 năm gắn bó với công việc chăm nom ngọn Hải đăng trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Ngần ấy chục năm, với bao thăng trầm của nhịp thời gian nhưng trong anh vẫn không phai ước nguyện trọn đời gắn bó với nghiệp “soi đèn” cho tàu thuyền qua lại trên biển đảo quê hương…

Ảnh: Lê Khanh 

Quanh năm “khát” đất liền

Tiếp tôi là một người đàn ông hao gầy, khuôn mặt hằn sâu vết tích của những năm tháng bám biển nhưng giọng nói vẫn sang sảng át cả tiếng sóng biển, anh là Trần Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng đảo Song Tử Tây, quê hương thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Lúc đầu, anh Khánh cũng dè dặt khi được tôi hỏi thăm về bản thân, công việc chuyên môn và việc quản lý, vận hành “con mắt” của biển. Sau khi biết tôi cũng là người con lớn lên từ dòng tôi núi Ngự và lần đầu tiên ra Trường Sa, anh Khánh mới “cởi lòng” chia sẻ cùng đồng hương về những kỷ niệm vui buồn trong hàng chục năm gắn bó với biển đảo của mình.

Sinh năm 1967, lên năm 15 tuổi, Trần Văn Khánh đã theo anh trai ra thành phố Hải Phòng để sinh sống. Tại thành phố Hoa Phượng đỏ, Khánh đã từng bước cảm nhận về hoạt động hàng hải ở nơi đây. Học xong phổ thông, anh đi học ngành hàng hải để rồi sau này có duyên gắn bó cuộc sống với biển cả. Năm 1993, Trạm Hải đăng đảo Song Tử Tây được thành lập, anh xung phong ra đảo Song Tử Tây để bảo quản và vận hành “con mắt” biển đảo Trường Sa.

Những năm tháng đầu tiên ra đảo, anh đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất: không ti vi, không điện, không sóng điện thoại liên lạc đất liền, tàu tiếp tế 5 tháng mới có 1 chuyến… Anh và các đồng nghiệp không những đối diện khó khăn cuộc sống còn phải đối chọi với thời tiết khắc nghiệt của đảo san hô. “Trước đây, muốn liên lạc về nhà rất khó, chỉ có viết thư, nhắn tin cho người qua đảo, rồi ngóng tin từ đất liền. Tàu thuyền từ đất liền ít ra, mãi 5 tháng mới có chuyến tàu. Thức ăn đựng đồ hộp bảo quản cũng không được lâu, thực phẩm đánh bắt ở biển cũng chỉ ăn được vài bữa là phải bỏ vì không có tủ lạnh để bảo quản. Khó khăn thế nhưng cả trạm ai cũng bám trụ lại, anh em đùm bọc nhau, thay nhau đi phép để liên lạc với đất liền được gần hơn” - Trưởng trạm Hải đăng Song Tử Tây nói với tôi.

Mặc dù rất khó khăn, thiếu thốn, song, ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây không đêm nào tắt. Về đêm, để đèn hoạt động đến sáng, anh em phải duy trì năng lượng bằng các nguồn khác nhau. Bất kỳ thời tiết nào cũng phải duy trì nguồn điện để đèn biển luôn chiếu sáng đưa đường cho bà con ngư dân, tàu thuyền qua lại. Anh Khánh cho biết, ngày mưa gió không có nắng, điện năng lượng mặt trời không tích được, phải nổ máy phát để bù năng lượng cho đèn hoạt động. Còn về ban ngày, anh và các nhân viên trực đèn luôn căng mắt theo dõi hoạt động của tàu thuyền từng khu vực trên biển để báo về tổng đài của công ty.Như… cột mốc chủ quyền

Đến nay, anh vẫn chưa quên được kỷ niệm của những năm đầu ra đảo. Ngày đó, thiếu thốn rau xanh, anh em phải nhường cả nước sinh hoạt của bản thân để chăm rau. Trạm hải đăng được trang bị một chiếc xuống máy để làm phương tiện đi lại trên biển. Cách trạm không xa là đảo chìm Đá Nam của bộ đội Hải quân. Do biển động, nhiều khi, nguồn tiếp tế thực phẩm chưa đến kịp, anh em chiến sỹ ở đảo chìm Đá Nam thiếu thốn rau xanh. Hôm đó, anh lái xuồng sang đảo Đá Nam để kịp đưa rau xanh mình trồng được cho chiến sỹ trên đảo.

Lúc quay về, anh Khánh bỗng thấy giông biển ào ào kéo đến, trời đen kịt, cuồng phong gào thét, mặt biển mù mịt… Trong phút chốc, xuồng quay vòng, hoàn toàn mất phương hướng, anh không thể kiểm soát được tay lái. Anh thoáng nhìn lên, ngửa mặt cầu trời thương tình để cho anh về được trạm hải đăng. Xuồng của anh cứ trôi vô định. Giữa biển không biết kêu ai, anh hoang mang cực độ. Bỗng dưng, trời lặng gió, sóng biển bớt gầm gào, ngọn hải đăng hiện ra trước mắt. Anh cho biết, lần đó, mình sống sót được là nhờ trời vẫn còn thương.

Trạm hải đăng Song Tử Tây 

Rời miền ký ức, anh đưa tôi về với thực tại, giọng nói của anh bỗng thầm reo vui vì hiện nay, cuộc sống ở trạm hải đăng đã đầy đủ hơn cả vật chất lẫn tinh thần. Anh được gọi điện thoại nói chuyện với vợ con thường xuyên. Tàu hải đăng của công ty trung bình 2 tháng tiếp tế một lần, mỗi năm có 6 chuyến tàu ra trạm. Đầu năm, biển lặng tàu ra dày hơn, cuối năm thưa hơn. Đã có điện gió, anh em điện thoại về đất liền để công ty mua thực phẩm đưa ra, đồ ăn đã được bảo quản trong trong tủ lạnh để ăn dần.

Anh em ở đảo, cũng cải thiện bữa ăn bằng cách trồng thêm rau xanh, nuôi gà, câu cá. Anh em đã đào giếng để sử dụng nước (tuy nguồn nước bị nhiễm mặn nhưng cũng đủ tắm rửa), làm bể tích nước mưa đủ tiết kiệm để sinh hoạt.

Đi công tác biền biệt trên biển đảo, mãi đến năm 36 tuổi anh mới lập gia đình cùng với người con gái thành phố cảng. Năm nay, con đầu của anh mới học cấp 3, đứa thứ 2 mới học lớp 4. Ngày anh ra đảo, Trường Sa mới chỉ có 1 cây đèn biển nhưng đến nay, quần đảo này hiện đã có 9 ngọn hải đăng được xây dựng trực thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo khu vực Miền Nam.

Hồi còi tàu ngân lên vô tình cắt ngang câu chuyện với người gác đèn biển, chia tay anh khi bầu tâm sự vẫn còn dốc dang dở. Tiễn tôi ra tàu rời đảo, bước chân đi thong thả trên nền san hô, ánh mắt người Trạm trưởng trạm Hải đăng Song Tử Tây hướng về phía đất liền, rồi anh bắt chặt tay những người đồng hương, giọng quả quyết: “Mình sẽ gắn bó với công việc đến lúc nghỉ hưu vì ngọn hải đăng này cũng là cột mốc chủ quyền của Tổ quốc”.

 

Xuân Lam