Kiên Giang: Qua quan trắc phát hiện đa phần là nước lợ cho đến mặn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:18, 29/04/2020

(TN&MT) - Để đảm báo cho công tác ứng phó với tình hình hạn hán, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã ra bản tin thông báo tài nguyên nước dưới đất tại các khu vực đang xảy ra hạn hán nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các điều tra, cấp nước chống hạn đối với các tỉnh, địa phương đang bị hạn hán thiếu nước.

Tại tỉnh Kiên Giang, Trung tâm đã tiến hành quan trắc tại 5 điểm với 24 công trình quan trắc ở 6 tầng chứa nước. Trong đó có 3 điểm với 13 công trình lắp thiết bị truyền tự động số liệu. Theo đó, kết quả diễn biến mực nước, chất lượng nước tại các tầng chứa nước chính như sau:

Trước thực tế xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, Bộ TN&MT vừa bàn giao và đưa vào sử dụng trạm cấp nước ngọt miễn phí tại xã Nam Thái, An Biên, Kiên Giang

 

Về mực nước tại xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp; xã Đông Hòa, huyện An Minh và xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao mực nước có xu thế hạ thấp. Giá trị hạ thấp so với tháng 1 năm 2020 từ 0,01m đến 0,38m; so với cùng kỳ tháng 3 năm 2020 từ 0,05m đến 0,16m. Mực nước hạ thấp lớn nhất xảy ra tại điểm Q626 tại xã Đông Hòa, huyện An Minh.

Về độ mặn trong tỉnh, có 3 điểm với 13 công trình đo tự động giá trị độ dẫn điện, để có thể tính toán được độ mặn nhạt của nước. Theo kết quả quan trắc được cho thấy nước đa phần là nước lợ cho đến mặn, có hai công trình nước nhạt ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc - huyện Gò Quao.

Theo dự báo, trong thời gian tới hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là sự gia tăng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn. Các tỉnh ở Đồng bằng Nam Bộ tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới. Đặc biệt là các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

Thúy Hằng