Sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan, hành động thông minh với khí hậu: Chủ động trong mọi tình huống

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:12, 21/04/2020

(TN&MT) - Trước mùa mưa bão 2020, các tỉnh miền núi phía Bắc đã khẩn trương chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai, trong đó, phương châm “Bốn tại chỗ” được cho là hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro thiệt hại.

“Ba sẵn sàng” ở huyện vùng cao

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã chủ động các phương án ứng phó trước mùa mưa lũ năm 2020.

Theo số liệu của UBND huyện Mù Cang Chải, trong năm 2017 - 2019, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất đá, lũ quét, làm thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng trên địa bàn khiến huyện ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Cụ thể, mưa lũ đã khiến 31 người bị chết, mất tích và bị thương; hơn 300 nhà bị sập hoàn toàn, bị cuốn trôi và hư hỏng; 276 các công trình công cộng bị hư hại; 363,017 ha hoa màu bị mất trắng cùng nhiều tài sản của người dân. Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, huyện đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ và động viên các hộ dân bằng hiện vật và ngày công.

Trong năm 2020, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo sẽ có khoảng trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5 - 9/2020 xảy ra cục bộ và khó dự báo.

Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND Mù Cang Chải cho biết: Để chủ động, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, huyện tiến hành rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đảm bảo sát với tình hình thực tế. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, tham mưu và trực tiếp ban hành văn bản đôn đốc, chỉ đạo Ban Chỉ huy các xã, thị trấn tăng cường triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai.

Ban hành kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra PCTT-TKCN trên 14 xã, thị trấn. Chỉ đạo và tổ chức thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm về mưa lũ để nắm thông tin trên địa bàn về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động di dời các hộ gia đình có nguy cơ sạt lở (nếu có)...

 “Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động bố trí quỹ đất di chuyển xen ghép từ 15 - 20 hộ/xã; tăng cường công tác hướng dẫn, thống kê tình hình thiệt hại đảm bảo chính xác, đúng thời gian quy định. Hơn nữa cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến rừng hộ gia đình về thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai; công tác vận động người dân tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (nếu có)”, ông Lê Trọng Khang chia sẻ.

Sa Pa hứng chịu nhiều hiện tượng thời thiết cực đoan

 Ứng phó nơi “rốn” thiên tai

Sa Pa được ví như “rốn” thiên tai của Lào Cai. Chính vì vậy, trước mùa mưa bão năm 2020, huyện Sa Pa đã xây dựng Kế hoạch ứng phó với các tình huống bất thường, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Phòng NN&PTNT thị xã Sa Pa, chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, thiên tai đã gây thiệt hại hàng nghìn ngôi nhà, hàng trăm ha hoa màu. Ước tỉnh tổng thiệt hại lên đến hơn 50 tỷ đồng.

Để ứng phó với các tình huống thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2020, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường rà soát thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các thôn bản, tổ dân phố thực hiện rà soát, lập danh sách các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra; rà soát các loại vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai; xây dựng Phương án PCTT&TKCN trên địa bàn.

Cấp huyện thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN do Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo các phòng ban liên quan như: Bộ chỉ huy Quân sự, Phòng Kinh tế, Phòng NN&PTNT...

Ở cấp xã, kiện toàn và thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, đồng thời, xây dựng Kế hoạch PCTT&TKCN trên địa bàn; thực hiện trực ban 24/24 giờ kịp thời xử lý các tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”, tăng cường công tác theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến các hộ dân để chủ động phòng tránh khi có thiên tai xảy ra.

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại Đồng bằng sông Cửu Long (vượt lịch sử 2016); 4 đợt dông lốc, mưa đá trên diện rộng tại 15 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ làm trên 29.000 nhà bị thiệt hại, trong đó, vào dịp Tết Nguyên đán (từ 24 - 25/1/2020) mưa đá, dông lốc làm 13.825 nhà bị thiệt hại.

Thanh Ngà - Bích Hợp