Hà Nội: Doanh nghiệp đề xuất kéo dài các giải pháp hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 17:39, 16/04/2020
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng ở mức 3,72%. Trong đó, dịch vụ tăng 3,20%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; Nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ; Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%.
Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 doanh nghiệp (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ…
Toàn cảnh buổi đối thoại trực tuyến giữa Lãnh đạo TP Hà Nội và hơn 40 doanh nghiệp. |
Bí thư Vương Đình Huệ đánh giá, đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nhiều dự báo được đưa ra nhưng đến giờ này cũng chưa thể đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch bệnh Covid -19 đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức thời gian cho công tác phòng chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.
Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng, hơn lúc nào hết, lãnh đạo thành phố Hà Nội mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp hoạt động của doanh nghiệp được kích hoạt, thông suốt. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ hiến kế cho Thành phố để duy trì được đà tăng trưởng, tạo hiệu năng để khi vượt qua được dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc.
Đối với gói hỗ trợ của Chính phủ, người đứng đầu Thành phố cho biết, sẽ triển khai một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn được nghe đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng. Với những kiến nghị lớn hơn, thành phố sẽ tập hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, dịch Covid 19 đã khiến 18 nghìn cán bộ nhân viên làm việc tại các khu nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Tập đoàn Vingroup đề xuất giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp bằng sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...
Ông Nguyễn Đăng – Tổng thư ký Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội chia sẻ, Hội mong muốn có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ vay cho doanh nghiệp. Các chính sách giảm, miễn lãi vay hoặc lãi vay về mức dưới 5%, các mức áp dụng cho các doanh nghiệp tùy mức độ ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn phòng chống dịch về mức dưới 5%. Như, hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay ngân hàng trong tháng 4, 5 và 6 năm 2020 khi vay với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm); hỗ trợ giảm 50% lãi suất ngân hàng cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4, 5, 6 năm 2020 nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của dịch. Đồng thời, kiến nghị cơ quan thuế cho hoãn, giảm hoặc miễn giảm một số loại thuế, phí phải nộp và thời gian nộp, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng của từng lĩnh vực, ngành nghề.
Lãnh đạo tập đoàn FLC cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng Covid-19 đang kéo dài, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp. Đại diện FLC đề xuất kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.