“Lá chắn thép” chống giặc Covid-19 giữa núi rừng biên giới Cao Bằng

Xã hội - Ngày đăng : 18:01, 14/04/2020

(TN&MT) - Cùng với sự quyết tâm chống dịch Covid-19 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, gần ba tháng nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cao Bằng cũng đang ngày đêm “ăn lán, ngủ rừng”, thay nhau “gác biên” 24/24 giờ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Họ đã thực sự trở thành những “lá chắn thép” nơi biên giới phía Tây của tỉnh Cao Bằng.

Lán trại dã chiến của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng tại xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nhằm kiểm soát người xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Từ thành phố Cao Bằng (Cao Bằng), chúng tôi vượt hơn 150 km đường đèo dốc quanh co, hiểm trở để đến với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng trong những ngày cả nước đang chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Trò chuyện với chúng tôi về nhiệm vụ trực chiến, tuần tra biên giới, phòng chống dịch Covid-19 của đơn vị, ánh mắt trên gương mặt của Thiếu tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng ánh lên vẻ đầy quyết tâm, anh nói: Đồn Biên phòng Cô Ba quản lý, bảo vệ đường biên giới dài hơn 19 km, với 33 cột mốc trên địa phận 2 xã Cô Ba, Thượng Hà của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Tổ công tác cơ động của Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng thường xuyên tuần tra địa bàn để ngăn chặn người xuất nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Không có nước sinh hoạt, các thành viên trong chốt kiểm soát dịch bệnh phải phân công nhau đi xin nước từ những nhà dân cách chốt 2 – 3 km.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn luôn xác định phòng, chống dịch bệnh với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, không chủ quan, không lơ là, nắm chắc diễn biến của dịch bệnh, bám sát chỉ đạo của cấp trên và không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Xác định lực lượng biên phòng là tuyến đầu chống dịch xâm nhập qua biên giới, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng của huyện Bảo Lạc thành lập 8 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các mốc có đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới phụ trách và nhiều tổ công tác cơ động thường xuyên tuần tra địa bàn. Để ứng phó kịp thời, với phương châm 4 tại chỗ “Hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ động tại chỗ” đã được đơn vị vận dụng vào “cuộc chiến” chống “giặc Covid-19”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng cùng các lực lượng chức năng tranh thủ bữa cơm trưa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Tâm sự cùng đồng chí Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Ba, chúng tôi phần nào thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm lăn lộn nơi mây ngàn, gió núi để “căng mình” chống “giặc Covid-19” trên tuyến biên giới nơi đây. Điều đó khiến thôi thúc chúng tôi tiếp tục đến với những “chiến binh” ấy tại các lán trại dã chiến giữa rừng sâu, núi thẳm.

Từng cơn gió mang theo cái rét khiến cảm giác lạnh tê tái như những ngày giữa mùa đông lạnh giá, Thiếu tá Nông Văn Vũ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng đưa chúng tôi đến lán trại dã chiến được đặt tại xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), vừa đi vị Thiếu tá này vừa làm công tác tư tưởng cho tôi: Từ Đồn đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 đặt tại xóm Phiêng Mòn chỉ khoảng 4 – 5 km, nhưng phải đi mất gần 40 phút. Đây là chốt kiểm soát có đường đi và có điều kiện thuận lợi nhất trong các chốt kiểm soát của đơn vị, còn có những chốt khác khó khăn hơn nhiều, lán dã chiến của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ sương mù bao phủ suốt ngày đêm, không có sóng điện thoại, mưa gió đường đi rất khó, chỉ hơn 20 km thôi nhưng phải đi xe máy gần 3 giờ đồng hồ mới đến được lán. Nhưng đồng chí cứ yên tâm, những khó khăn, vất vả ấy không làm “nhụt trí” được những người lính Cụ Hồ như chúng tôi đâu.

Lán trại dã chiến thường có từ 5 – 8 thành viên, gồm các lực lượng biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế thay nhau trực gác.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng trực 24/24, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

 Có đến chốt kiểm soát dịch bệnh tại xóm biên giới Phiêng Mòn mới hiểu hết được sự hy sinh thầm lặng của những người lính mang quân hàm xanh làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên cương của Tổ quốc và “căng mình” chống “giặc Covid-19” nơi tuyến đầu. Khi chúng tôi đến nơi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba đang phối hợp với lực lượng Công an, dân quân tự vệ, y tế túc trực, kiểm soát người và phương tiện qua lại. Chiếc lán dã chiến được dựng mong manh, gió táp giật từng đợt làm lán rung lắc, đường điện được kéo nhờ từ các hộ dân quanh đấy, không có nước sinh hoạt, không có sóng điện thoại di động, nhưng những người lính mang quân hàm xanh cùng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ vẫn âm thầm, lặng lẽ, chia nhau bám trụ 24/24 giờ để ngăn chặn người xuất nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Là một trong những học viên Học viện Biên phòng được tăng cường lên Cao Bằng tham gia phòng chống dịch Covid-19, Thượng sĩ Lương Văn Hôn, học viên chuyên ngành Quản lý bảo vệ biên giới của Học viện Biên phòng chia sẻ: Tôi được cử lên Cao Bằng từ ngày 6/3/2020 để tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba phòng chống dịch Covid-19 ở chốt kiểm soát dịch tại xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mục tiêu duy nhất của người lính biên phòng là bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, góp một phần công sức của mình “đánh thắng giặc Covid-19”, tôi sẽ nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thời tiết, khí hậu miền biên viễn thật khắc nghiệt, lúc thì nắng chang chang, nhưng cũng có lúc trời mưa dầm dề, gió lạnh như muốn cắt thịt da, sương mù dày đặc hạn chế tầm nhìn. Khó khăn trăm bề là vậy, thế nhưng những người lính mang quân hàm xanh vẫn kiên cường, bền bỉ, đồng sức đồng lòng quyết tâm chống đại dịch Covid-19, họ chấp nhận gác lại tình cảm, nỗi niềm riêng tư để ở lại biên giới cùng đồng đội sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tâm sự cùng chúng tôi, Thiếu tá Tô Văn Hạnh, Đội Phòng chống Ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cô Ba chia sẻ: Bố tôi cách đây 6 năm bị ngã dẫn đến chùn 4 đốt xương sống nên giờ khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Còn mẹ tôi bị bệnh teo não, thoái hóa não hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe cũng đã yếu. Từ Tết Nguyên đán đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chúng tôi đành gác lại những cảm xúc cá nhân, nỗi niềm riêng để ở lại đơn vị, căng  mình chống dịch.

“Mẹ ốm đau, không về chăm sóc được, tôi cũng buồn lắm. Nhưng vì nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đang trong giai đoạn quyết định, với tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, tôi cùng đồng đội quyết tâm bảo vệ vững chắc biên giới, không để dịch bệnh lây lan, giữ cho cuộc sống nhân dân được bình yên. Do chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại xóm Phiêng Mòn không có sóng điện thoại di động, nên hằng ngày tranh thủ giờ nghỉ ngơi, tôi lại đi “dò” sóng điện thoại để điện về cho vợ hỏi thăm tình hình sức khỏe của bố mẹ, con cái. Giờ chỉ mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh, người dân được an toàn để tôi xin đơn vị nghỉ phép, dành thời gian chăm sóc cha mẹ, bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho vợ con”. Nói xong, Thiếu tá Tô Văn Hạnh đưa ánh mắt nhìn về nơi xa.

Sự hy sinh thầm lặng của những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm “gồng mình” làm nhiệm vụ chốt chặn, xây dựng “lá chắn thép” nơi rừng sâu, núi thẳm miền biên viễn, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Họ xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Nguyễn Hùng – Xuân Vũ