Mù Cang Chải (Yên Bái): Chủ động ứng phó với thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:15, 09/04/2020
Những con số đầy ám ảnh
Theo số liệu của UBND huyện Mù Cang Chải, trong năm 2017-2019, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất đá, lũ quét, làm thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng trên địa bàn khiến huyện ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mưa lũ đã khiến 31 người bị chết, mất tích và bị thương; hơn 300 nhà bị sập hoàn toàn, bị cuốn trôi và hư hỏng; 276 các công trình công cộng bị hư hại; 363,017 ha hoa màu bị mất trắng cùng nhiều tài sản của người dân. Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, huyện đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ và động viên các hộ dân bằng hiện vật và ngày công.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai |
Đồng thời, huyện đã kịp thời báo cáo tỉnh Yên Bái xin ý kiến chỉ đạo. Bên cạnh đó, đã chủ động trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ triển khai thực hiện ngay công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong trận lũ quyét 03/8/2017, ngay sau khi xảy ra lũ quét lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trực tiếp kiểm tra chỉ đạo cụ thể các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện Mù Cang Chải thực hiện công tác tìm kiếm người bị mất tích, chữa trị cho những người bị thương, bố trí chỗ ở cho các gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; dọn dẹp vệ sinh môi trường; đảm bảo an sinh xã hội.
Mặt khác, tăng cường lực lượng tại địa phương phối hợp với bộ đội Quân khu II, Công an tỉnh với tổng số 2.870 người và huy động 135 xe, máy phương tiện tập trung tìm kiếm khu vực bị lũ ống, lũ quét đi qua và dọc theo suối Nậm Kim, hồ thủy điện và tại các xã lân cận để tìm kiếm người mất tích, nạo vét, dọn dẹp các công trình công cộng, trường học, khu dân cư bị đất, đá, rác vùi lấp, vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.
Chủ động ứng phó
Trong năm 2020, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo sẽ có khoảng trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5 - 9/2020 xảy ra cục bộ và khó dự báo.
Ông Lê Trọng Khang – Phó Chủ tịch UBND Mù Cang Chải cho biết: Để chủ động và thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN trên địa bàn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, UBND huyện tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Năm 2020 huyện đã lên kế hoạch ứng phó với mưa lũ |
Tiến hành rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT-TKCN đảm bảo sát với tình hình thực tế của huyện. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện, tham mưu và trực tiếp ban hành văn bản đôn đốc, chỉ đạo Ban chỉ huy các xã, thị trấn tăng cường triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai.
Ban hành kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra công tác PCTT-TKCN trên 14 xã, thị trấn. Chỉ đạo và tổ chức thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm về mưa lũ để nắm thông tin trên địa bàn về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động di dời các hộ gia đình có nguy cơ sạt lở (nếu có)...
Tuy nhiên, Mù Cang Chải là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn nên công tác ứng phó khi xảy ra mưa lũ đã gặp không ít khó khăn. Một số thành viên Ban chỉ huy từ huyện đến cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa thực hiện chế độ trực cũng như tổ chức kiểm tra tình hình phòng, chống thiên tai của nhân dân, của xã được giao phụ trách theo phân công. Việc phối hợp giữa các cơ quan, các lực lượng; giữa các khâu của từng nội dung, phần việc chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Công tác tuyên truyền nhân dân chủ động trong phòng chống thiên tai chưa tốt dẫn đến nhân dân chủ quan trong việc phòng tránh còn đi chăn thả gia súc, lưu trú trong rừng vào các ngày mưa lũ.
“Để làm tốt hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, trong thời gian tới huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động bố trí quỹ đất di chuyển xen ghép từ 15 - 20 hộ/xã; tăng cường công tác hướng dẫn, thống kê tình hình thiệt hại đảm bảo chính xác, đúng thời gian quy định. Hơn nữa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến rừng hộ gia đình về thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai; công tác vận động người dân tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (nếu có)”, ông Lê Trọng Khang nói.