Vơi dần nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:15, 07/04/2020

(TN&MT) -  Nước là vô tận, không bao giờ cạn - quan niệm sai lầm này đã dẫn đến việc lãng phí nguồn nước sạch, để lại những hậu quả nặng nề, đẩy nhiều nơi vào cảnh “khát nước”.

Thực tế, nước chiếm đến 3/4 diện tích bề mặt Trái đất. Một con số không hề nhỏ. Nhưng tiếc thay, nguồn tài nguyên vô tận ấy lại không phải thứ nước giúp chúng ta thỏa mãn cơn khát trong những ngày hè nóng nực, không phải là thứ nước kỳ diệu có thể cứu sống ai đó trên sa mạc khô rát….. Bởi đó không phải là nước ngọt.

Thế nhưng, lãng phí nguồn nước xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Ở vùng nông thôn, lãng phí nước sinh hoạt đã trở thành thói quen không ai có thể kiểm soát. Từ việc đào giếng, khoan giếng sử dụng nước sinh hoạt trong gia đình đến dùng nước chăm sóc vật nuôi, cây trồng… Do không phải trả tiền nên người dân vùng nông thôn đều thoải mái dùng nước “thả phanh” không cần “tính toán”.

Trong khi khu vực đô thị, các hộ gia đình dùng nước phải trả phí. Tất cả mọi hoạt động, từ sản xuất đến sinh hoạt, từ nấu nướng đến tắm rửa, tưới cây cảnh, vệ sinh nội thất… đều dùng tới nước sạch, nhưng không ít hộ gia đình quên vặn chặt van nước, đường ống dẫn nước rò rỉ ngấm tường nhà, tràn ra đường phố… Tình trạng lãng phí nước sạch “thiên biến vạn hóa” không thể thống kê hết.

Chưa kể, tại nhiều địa phương, giếng khoan khai thác nước dưới đất với đầu tư lớn nhưng phải ngừng hoạt động do nước bị ô nhiễm, các trạm cấp nước xây xong hoạt động một thời gian rồi cạn khô, đắp chiếu hoặc nước bị sử dụng lãng phí hoặc chỉ dùng để... tưới cây trong khi không đủ nước sạch cho đời sống hằng ngày.

Ảnh minh họa

Soi chiếu vào thực tế ngày hôm nay, chúng ta đang chứng kiến tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất nhiều nơi nước sạch còn ở nơi xa. Bà con vẫn ăn uống tắm giặt với nước phèn, nước nhiễm mặn, có nơi chắt chiu giữ từng ca nước ngọt quý giá, có nơi phải sống cùng nguồn nước ô nhiễm dư lượng chất độc hại. 

Việt Nam tuy nằm trong tốp 15 quốc gia có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới, song theo thống kê của Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch. Lượng nước sạch bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của thế giới, đến 2025 sẽ tiếp tục giảm đi một nửa.

Trong khi đó, trên thế giới, hiện nay, 2,1 tỷ người đang không có nước sạch để dùng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ đạt tới 3,9 tỷ người - nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.

Và 1 trong 2 con người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch đó, lấy gì đảm bảo rằng, không phải chính chúng ta?

 

 

Phương Anh