Đồng Nai siết chặt quản lý chất thải rắn thông thường

Môi trường - Ngày đăng : 13:52, 07/04/2020

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn thông thường. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu

Để thực hiện theo Quyết định số 491/QĐ- TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải  rắn  đến  năm  2025,  tầm  nhìn  đến  năm  2050; UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 12472 ngày 16/11/2018 về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương.

UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Tổng thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” giai đoạn 2, năm 2019 - 2020. Hiện tại, UBND tỉnh đang trình Tỉnh ủy Đồng Nai xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại và Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Để thực hiện công tác quản lý chất thải tại địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 quy định phân công trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua triển khai thực hiện Quyết định này cho thấy, công tác quản lý chất thải rắn đã được thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý của tỉnh. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu liên quan về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn của tỉnh Đồng Nai đề ra.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, về cơ bản chất thải rắn công nghiệp thông thường hiện đã được thu gom, tái chế ở từng nhóm chất thải và đã đảm bảo được tỷ lệ thu gom, xử lý - tái chế. Đặc biệt, việc triển khai các nội dung trên sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền các cấp; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy, Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống chất thải nhựa.

Trong năm 2019, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào khoảng 1.885 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng đã được thu gom, xử lý khoảng 1.867 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 99%, Ngoài ra, khối lượng chất thải chất thải rắn sinh hoạt đã được xử lý tại các khu xử lý khoảng 1.550 tấn/ngày, tỷ lệ chôn lấp khoảng 30%; khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường khoảng 1.095 tấn/ngày cũng đã được thu gom, xử lý 100%.

Giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp

Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 9 khu xử lý (KXL) chất thải theo quy hoạch và đã thu hút được 16 dự án đầu tư. Trong đó, có 7 KXL chất thải với 10 dự án đã và đang tiếp nhận, xử lý chất thải; 1 KXL với 3 dự án đang thực hiện thủ tục môi trường, đầu tư, xây dựng. Đối với 2 KXL chất thải còn lại với 3 dự án hiện đã ngưng tiếp nhận chất thải, bao gồm: 2 dự án tại KXL Trảng Dài và 1 dự án tại KXL Phú Thanh.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét, xử lý hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, (tỉnh Đồng Nai), theo hình thức Đối tác Công tư (PPP), Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO); kết quả thống nhất về chủ trương đầu tư là cơ sở cho Nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ có liên quan để sớm đưa Dự án đi vào hoạt động, góp phần giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Một góc nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phần compost ở Đồng Nai

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 32 điểm trung chuyển và 32 điểm sang tiếp rác thải được bố trí tại các huyện, thành phố. Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh vẫn được thu gom bằng phương tiện có tải trọng nhỏ, thô sơ chủ yếu là xe tải 550 kg, xe 3, 4 bánh tự chế và thùng 660 lít. Các tổ chức, cá nhân thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và một số hợp tác xã thực hiện thu gom rác có bố trí xe chuyên dụng để thu gom rác thải từ các điểm tập kết - trung chuyển về khu xử lý chất thải.

Tuy nhiên, nhiều điểm tập kết - trung chuyển chất thải còn hạn chế, chưa đầu tư xây dựng đúng quy chuẩn, chưa bố trí hợp lý. Do vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tổ chức rà soát quy hoạch các điểm trung chuyển và tập kết chất thải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường. Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

 

Từ năm 2018, tỉnh Đồng Nai đã chuyển sang hình thức đấu thầu xử lý chất thải theo Văn bản số 11435 ngày 6/11/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt mức giá trần xử lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2018 để làm cơ sở đấu thầu xử lý rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong năm 2018, UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh giá trần xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt năm 2018. Theo đó, đối với xử lý chất thải bằng phương pháp sản xuất phân vi sinh với tỷ lệ chôn lấp dưới 15%, đơn giá trần xử lý (chưa bao gồm thuế GTGT) điều chỉnh từ 447.385 đồng/tấn lên 496.000 đồng/tấn. Còn đối với xử lý chất thải bằng phương pháp đốt (không phải đốt điện) với tỷ lệ chôn lấp dưới 15%, đơn giá trần xử lý (chưa bao gồm thuế GTGT) điều chỉnh từ 437.000 đồng/tấn lên 496.000 đồng/tấn. Riêng đối với xử lý chất thải bằng phương pháp đốt phát điện và bằng phương pháp chôn lấp 100%, đơn giá là 290.000 đồng/tấn.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư

Trong năm 2020, để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn thông thường, nhất là tăng khối lượng tái chế, thu hồi năng lượng, tự xử lý rác, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt từ 15% trở xuống theo mục tiêu mà HĐND tỉnh Đồng Nai đề ra; UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để phù hợp tình hình hiện nay và lộ trình về giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý trên địa bàn tỉnh và phấn đấu đến năm 2020, 100% đô thị trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; đồng thời, hoàn thiện mạng lưới thu gom, xây dựng các điểm trung chuyển đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật liên quan nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải, đảm bảo chất thải được đưa về các khu xử lý theo đúng quy hoạch.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý chất thải theo đúng lộ trình, nhất là các hạng mục công trình tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để đảm bảo hiệu quả xử lý, giảm thiểu tỷ lệ chất thải chôn lấp; tăng cường nhân lực, các thiết bị quan trắc để kiểm soát các KXL chất thải rắn; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý chất thải rắn tại địa phương và các đơn vị thu gom, vận chuyển, lưu trữ.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các Sở, ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện việc hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để đầu tư phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại; kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận chất thải sau khi phân loại để xử lý; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án xử lý rác phát điện và dự án sản xuất phân compost tại Khu xử lý Vĩnh Tân để sớm đi vào hoạt động.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT yêu cầu các chủ dự án đảm bảo việc đầu tư đầy đủ các hạng mục, công trình phân loại, tái chế, xử lý chất thải, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% theo QCXDVN 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn xây dựng Việt Nam Quy hoạch xây dựng. UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sớm có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải đầu tư các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải theo hướng thân thiện môi trường, đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

 

Bài và ảnh: TƯỜNG TÚ