Hướng đến cảnh báo rủi ro thiên tai theo không gian và thời gian

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:44, 03/04/2020

(TN&MT) - Ngành Khí tượng thuỷ văn cần xác định mốc thời gian đưa ra “cảnh báo rủi ro thiên tai theo không gian và thời gian” để nâng cao vai trò của ngành và giá trị cảnh báo rủi ro thiên tai.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khi chủ trì cuộc họp trực tuyến và nghe báo cáo về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai, sáng 3/4, tại Hà Nội.

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; từ đầu cầu Tổng cục KTTV, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo Đặng Thanh Mai và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục KTTV tham dự cuộc họp tại phòng làm việc.

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến sáng 3/4. Ảnh chụp màn hình máy tính.

Ngành KTTV quyết tâm thực hiện đúng tiến độ

Báo cáo quá trình thực hiện và định hướng xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT để chuẩn bị cho việc xây dựng Quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai, Tổng cục KTTV đã trình và được Lãnh đạo Bộ ký Công văn số 5308/BTNMT-TCKTTV ngày 16/10/2019 đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai và một số đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục KTTV đã nhận được ý kiến đề xuất, sửa đổi của 33/63 địa phương và 5/8 các bộ, ngành và đã tổng hợp làm căn cứ để xây dựng quy định cấp độ rủi ro thiên tai. Tổng cục KTTV cũng đã trình Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 407/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 02 năm 2020 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (sửa đổi).

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, để kịp tiến độ, Tổng cục KTTV đã thành lập các Tổ giúp việc xây dựng Quyết định, thành viên là Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các thành viên Tổ biên tập, một số dự báo viên và các chủ nhiệm các đề tài có liên quan đến phân cấp độ rủi ro thiên tai. Tổ chức 4 cuộc họp định hướng xây dựng Quyết định với thành phần là các thành viên Tổ giúp việc, đại diện: Vật lý địa cầu, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các chuyên gia và các Đài KTTV khu vực.

Đồng thời, gửi Công văn tới các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Phòng, chống thiên tai; các Đài KTTV khu vực đề nghị cung cấp các thông tin về kinh tế - xã hội, thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm gần đây… để phục vụ công tác xây dựng Quyết định. Đến nay, 2 Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ và Đông Bắc đã tổng hợp và gửi số liệu về thiệt hại do thiên tai các năm gần đây gửi về Tổng cục.

Ngoài ra, Tổng cục đã thu thập các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các chương trình nghiên cứu khoa học, đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ để nghiên cứu, tổng hợp các số liệu phục vụ cho việc xây dựng Quyết định.

Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Ảnh minh họa

Về định hướng xây dựng Quyết định, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, Tổ giúp việc xây dựng Dự thảo Quyết định đã có các cuộc họp bàn và thống nhất đưa ra định hướng đề xuất sửa đổi theo 3 phương án: Xây dựng theo phương án cũ, có chỉnh sửa, chi tiết hóa hơn trên cơ sở của Quyết định 44 cũ để hoàn thiện theo tiến độ; Xây dựng theo phương án có đưa vào các yếu tố tác động, xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai: Xây dựng theo phương án vừa kế thừa Quyết định 44 cũ, vừa đưa vào các yếu tố tác động có thể thay đổi được.

“Tổng cục KTTV quyết tâm thực hiện đảm bảo tiến độ xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai theo thời gian dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái nói.

Sớm cập nhật rủi ro thiên tai trên “bản đồ”

Đồng tình với các phương án mà Tổng cục KTTV đã chỉ ra để sửa đổi quy định chỉ tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý, hiện nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai. Do vậy, ngành KTTV phải định hướng lúc nào đạt được mục tiêu “cấp độ rủi ro thiên tai có trên bản đồ”.

“Về mặt vĩ mô, ngành KTTV cần xác định mốc thời gian đưa ra “cảnh báo rủi ro thiên tai theo không gian và thời gian” để nâng cao vai trò của ngành và giá trị cảnh báo rủi ro thiên tai”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh và yêu cầu, sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai được ban hành, ngành KTTV tổ chức làm 2 bộ phận rõ ràng là dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo rủi ro thiên tai.

Theo Thứ trưởng, ngành KTTV cần một cuộc cách mạng để đi đến đích “cảnh báo rủi ro thiên tai theo không gian và thời gian”. Chúng ta phải xác định thống nhất với mỗi loại hình thiên tai, cảnh báo đến độ phân giải nào về mặt không gian.

“Nên chăng, chúng ta thống nhất loại hình thiên tai nào cũng có 3,4 hoặc 5 cấp rủi ro thiên tai. Đề nghị thống nhất một thang độ mỗi loại hình thiên tai có bao nhiêu cấp để người dân dễ hiểu, dễ sử dụng”, Thứ trưởng gợi ý và đề nghị các đơn vị trao đổi, thống nhất, một loại hình thiên tai có mức độ ảnh hưởng đến bao nhiêu dân số thì đặt ở cấp nào, ảnh hưởng kinh tế ở mức nào thì đặt ở cấp nào... Có như vậy, chúng ta mới có một hệ thống thống nhất về cấp độ rủi ro thiên tai.

Tuyết Chinh