Không để xảy ra bất kỳ khiếm khuyết nào về chất lượng công trình giao thông đường bộ

Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 02/04/2020

(TN&MT) - Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành chương trình hành động nâng cao chất lượng các công trình giao thông đường bộ giai đoạn từ nay đến năm 2021.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, những năm qua, các nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tăng cao. Các công trình sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, sau khi đưa vào khai thác, các công trình này đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn, ổn định và bền vững.

Xử nghiêm, không để công trình kém chất lượng, vừa khai thác đã hư hỏng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tại chương trình hành động nâng cao chất lượng các công trình giao thông đường bộ giai đoạn từ nay đến năm 2021, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, vẫn một số công trình sau khi đưa vào khai thác xuất hiện các khiếm khuyết về chất lượng, phải sửa chữa, khắc phục, tạo dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông vận tải.

Đánh giá chất lượng công trình là yếu tố chủ đạo, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, tuổi thọ và hiệu quả đầu tư xây dựng trong quá trình triển khai xây dựng các dự án, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc luôn nhận thức công tác quản lý chất lượng công trình là yếu tố hàng đầu, đặt mục tiêu chất lượng sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quy định, kiên quyết không để xảy ra công trình kém chất lượng, vừa khai thác đã xuất hiện hư hỏng.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, có quy mô, tính chất công việc phức tạp như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành... Do vậy, công tác quản lý chất lượng xây dựng càng phải được xem trọng, không để xảy ra bất kỳ khiếm khuyết nào về chất lượng.

Với mục tiêu đó, tới đây Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các dự án, quy hoạch do Bộ quản lý. Đồng thời, phân định rõ và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án như: người quyết định đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, chủ đầu tư, các ban QLDA, tư vấn và nhà thầu xây lắp về quản lý chất lượng công trình.

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý chất lượng, quản lý sự cố công trình, trách nhiệm của các chủ thể. Xây dựng chế tài xử lý nghiêm và đủ sức răn đe đối với vi phạm về chất lượng. Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoàn thiện cơ bản về thể chế, chính sách quản lý chất lượng, trách nhiệm của các chủ thể.

Tuyết Chinh