Xây dựng kịch bản tổng thể để ứng phó với sự cố môi trường: “Cây gậy” pháp lý đủ mạnh

Môi trường - Ngày đăng : 09:58, 02/04/2020

(TN&MT) - Những sự cố môi trường xảy ra thời gian qua cho thấy, bất cập trong xử lý ở cả cấp Trung ương và địa phương, một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu quy định cụ thể về quy trình ứng phó và phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải đã lấp “khoảng trống” pháp lý về vấn đề này.

Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó

Theo quy định, việc ứng phó sự cố chất thải phải đảm bảo các nguyên tắc: Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường diễn tập ứng phó sự cố. Ảnh: Song Đào

Ứng phó sự cố chất thải phải được thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ" và "ba sẵn sàng" quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố. Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

Quy chế cũng chia sự cố chất thải được phân loại thành 4 mức độ. Trong đó, sự cố mức độ thấp là sự cố trong phạm vi của cơ sở và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở; sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sự cố mức độ trung bình là sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sự cố mức độ cao là sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên. Sự cố mức độ thảm họa là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao, việc ứng phó được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Quy trình ứng phó 3 bước

Ba bước ứng phó sự cố chất thải bao gồm: Chuẩn bị ứng phó sự cố, tổ chức ứng phó sự cố và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Trong chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải, phải thực hiện xây dựng kế hoạch và diễn tập ứng phó sự cố chất thải. Kế hoạch ứng phó được lập cho giai đoạn ứng phó sự cố và tổ chức ứng phó sự cố. Kế hoạch ứng phó phải có các kịch bản ứng phó sự cố để có các phương án ứng phó tương ứng. Kế hoạch ứng phó này được công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành và được thông báo công khai đến cộng đồng dân cư. Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết nội dung Kế hoạch, kịch bản ứng phó này. Sau đó, việc diễn tập ứng phó được tiến hành, với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên qua, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.

Quy chế này quy định ứng phó sự cố chất thải bao gồm: nước thải, khí thải, chất thải rắn; không điều chỉnh sự cố chất thải do thiên tai và sự cố chất thải xảy ra trên biển.

Đối với việc tổ chức ứng phó sự cố chất thải, thông tin về sự cố chất thải phải được thông báo kịp thời đến đầu số 112 hoặc đến UBND cấp tỉnh, cấp huyện, xã nơi xảy ra sự cố. Tiếp đó, việc ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở do người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở. Người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở phải tổ chức ứng phó sự cố, đánh giá phạm vi ảnh hưởng và khả năng tự ứng phó của cơ sở.

Trường hợp sự cố trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và UBND cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố.

Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến UBND cấp huyện hoặc cấp xã hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để được tổ chức ứng phó; bàn giao quyền chỉ huy cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

Quy chế được áp dụng với các cơ quan quản lý Nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý chất thải và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố chất thải.

Đối với việc ứng phó sự cố chất thải ngoài cơ sở, Trưởng ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai cấp tỉnh, huyện xác định loại sự cố và chỉ đạo việc ứng phó theo quy định. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo ứng phó sự cố.

Sau khi ứng phó sự cố, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải cải tạo, phục hồi môi trường hoặc chi trả kinh phí cho công tác này. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn ứng phó sự cố chất thải, kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường phải được phê duyệt.

Cũng theo quy chế mới ban hành, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố chất thải; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp công sức, tài chính cho các hoạt động ứng phó sự cố chất thải.

Tống Minh