“Xẻ thịt” gần 10 ha đất rừng ở Hữu Lũng: Vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu bao che

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 21:55, 27/03/2020

(TN&MT) - Liên quan đến vụ “xẻ thịt” gần chục ha đất rừng ở thôn Ngọc Thành và thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân (Hữu Lũng, Lạng Sơn), bước đầu ngành chức năng xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu của việc bao che không xử lý...

Toàn cảnh khu đất bị khai thác trái phép.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, đoàn công tác do ông Nguyễn Đình Duyệt - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra thực tế khu vực khai thác đất trái phép ở 2 thôn Ngọc Thành, Đồng Lai; làm việc với xã Đồng Tân và ngành chức năng huyện Hữu Lũng.

Ông Cao Văn Hòa (người đứng) - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Sở TN&MT Lạng Sơn.

Tại buổi làm việc, ông Cao Văn Hòa – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng cho biết, trong quá trình ông Lê Minh Tuân khai thác, phòng đã giao cho chuyên viên và các thành viên trong tổ công tác theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng tiến hành kiểm tra, giám sát. Quá trình kiểm tra phát hiện thì đã tham mưu UBND huyện đình chỉ, lập biên bản đối với ông Lê Minh Tuân.

“Vừa rồi qua phản ánh, chúng tôi tiếp tục đi kiểm tra thì thấy có hiện tượng xe ra. Một số lần cùng Công an huyện vào thì không bắt được quả tang nên không xử lý được. Phòng đã thông tin, phản ánh lại với lãnh đạo UBND xã để tăng cường kiểm tra, lên lịch phân công cho Công an xã kiểm tra, giám sát, ngăn chặn. Nếu không ngăn chặn được thì báo lại cho Tổ liên ngành của huyện. Phòng TN&MT huyện và Công an huyện sẽ trực tiếp cùng phối hợp xử lý” – ông Hòa lý giải.

Thế nhưng thực tế lại khác so với những gì ông Hòa lý giải. Bởi khi phát hiện sự việc, lãnh đạo xã Đồng Tân đã điện thoại cho ông Hòa và chính ông Hòa đã thừa nhận “có tiếp nhận các phản ánh từ xã”. Vậy thì tại sao tiếp nhận sự việc lại không xử lý? Bên cạnh đó, ở huyện thành lập hẳn một công tác (Tổ chuyên tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra, giám sát việc san gạt, cải tạo mặt bằng – PV), trong đó Phòng TN&MT là cơ quan chủ trì, định kỳ hàng tuần, hàng tháng kiểm tra việc san gạt, cải tạo mặt bằng, vậy mà không lần nào bắt được quả tang trực tiếp?

Thêm nữa, theo ông Hòa nói: “quá trình kiểm tra phát hiện thì đã tham mưu UBND huyện đình chỉ, lập biên bản đối với ông Lê Minh Tuân”, thế nhưng tại buổi làm việc, khi đoàn kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn yêu cầu cung cấp biên bản kiểm tra, quyết định xử phạt thì ông Hòa đều không cung cấp được và biện minh “cái này do bên Công an. Năm 2017, 2018 thì có quyết định. Còn 2019 - 2020 toàn bộ việc xử lý đấy là do Công an huyện”.

Được biết, sau đó huyện Hữu Lũng có cung cấp cho Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn được 1 biên bản lập ngày 4/2/2020 (thời điểm lúc ông Tuân san vượt mốc giới 305 m2); 1 biên bản do xã Đồng Tân lập ngày 6/2/2020 nhưng nội dung sự việc ghi ngày 16/3/2020. Còn sau đó nhiều ha đất rừng bị san ủi trái phép đều không có một biên bản, một quyết định đình chỉ nào được đưa ra.

Như vậy thật khó giải thích cho dư luận rằng, không có sự buông lỏng, làm ngơ và cả dấu hiệu bao che từ xã đến huyện khi cả một “đại công trường” san ủi trái phép cùng hàng triệu m3 đất bị đem bán kiếm lời.

Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn kiểm tra hiện trường vụ san ủi, khai thác đất trái phép.

Tại buổi làm việc và kiểm tra hiện trường san ủi, bước đầu đoàn kiểm tra nhận định, vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Khối lượng đất được khai thác là rất lớn. Người dân địa phương đã có phản ánh với Trưởng thôn; Trưởng thôn đã báo cáo UBND xã, UBND xã đã báo cáo UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Hữu Lũng vẫn chưa có biện pháp kiên quyết xử lý triệt để dẫn đến việc khai thác kéo dài suốt từ tháng 1 đến đầu tháng 3/2020, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước. “Trách nhiệm quản lý về đất đai, khoáng sản thuộc UBND huyện Hữu Lũng và xã Đồng Tân” – Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn nêu rõ.

Theo Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên là do UBND cấp huyện, xã chưa làm tốt công tác quản lý đất đai, khoáng sản; ý thức chấp hành pháp luật của người dân sử dụng đất vẫn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của huyện, xã thiếu chặt chẽ; công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản chưa kịp thời, phát hiện vi phạm nhưng không kiên quyết xử lý quyết liệt, còn nể nang tránh né và có dấu hiệu của việc bao che không xử lý, không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hoàng Nghĩa