Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển DA đầu tư trên mặt
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 18:43, 27/03/2020
Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Điều 29 Luật Khoáng sản, ngày 06 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản gồm 48 khu vực, trong đó có 23 khu vực dự trữ khoáng sản titan (chủ yếu ở khu vực ven biển các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) với tổng diện tích 1.140km2; 04 khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng với tổng diện tích 3.868km2. Nhiều diện tích trong các khu vực này phân bố dọc dải ven biển, nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án kinh tế xanh, bền vững đặc biệt là các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời,...
Trước thực tiễn, cần thiết phải triển khai các dự án trên mặt tại các khu vực có dự trữ khoáng sản trong khi các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các luật pháp liên quan chưa quy định cụ thể để sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên tại khu vực khoáng sản dự trữ. Những khó khăn, vướng mắc, phát sinh mới đòi hỏi phải bổ sung một văn bản quy phạm pháp luật để quản lý.
Cụ thể, tại Điều 29 của Luật Khoáng sản, Quyết định số 645/QĐ-TTg đã quy hoạch đủ các khu vực dự trữ khoáng sản, nhưng chưa quy định tính pháp lý để được phát triển các dự án trên mặt trùng với các khu vực dự trữ khoáng sản; thời gian dự trữ khoáng sản để phù hợp với vòng đời dự án trên mặt dẫn đến những khó khăn cho việc triển khai phát triển các dự án trên mặt. Trong khi đó, Luật Đầu tư, Luật Đất đai chỉ quy định về thời gian hoạt động, diện tích đất sử dụng của dự án trên mặt. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ khoáng sản quốc gia để cho phép đầu tư các dự án phát triển kinh tế ở các khu vực dự trữ. Trong đó liên quan đến thời gian dự trữ khoáng sản, cơ sở pháp lý để triển khai các dự án trên mặt.
Tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu “Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”. Theo đó, khu vực các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... có điều kiện rất thuận lợi phát triển các dự án trên mặt như du lịch, điện gió, điện mặt trời, khu công nghiệp,… Do vậy, phát triển các dự án kinh tế-xã hội trên mặt tại các khu vực này là cần thiết, cấp bách theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Thực tế hiện nay nhiều khu vực có tiềm năng phát triển các dự án trên mặt có những diện tích nằm trong khu vực đã được khoanh định dự trữ các loại khoáng sản như titan, cát trắng. Ví dụ các dự án thuộc tỉnh Bình Thuận gồm: Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết; Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Thư Minh Nguyễn tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình,... Vấn đề nảy sinh cần giải quyết là: (1) Các dự án sử dụng đất trên mặt và các khoáng sản dự trữ cũng phân bố từ trên mặt; (2) Trong khi các dự án có thời hạn từ vài chục năm đến trên 50 năm nhưng các khu vực dự trữ khoáng sản (nêu tại Quyết định số 645/QĐ-TTg) chưa quy định thời hạn.
Từ thực tế nêu trên đặt ra vấn đề cấp thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo quản lý, bảo vệ khoáng sản, vừa tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển kinh tế trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng Nghị định quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt.
Mời bạn đọc xem toàn văn Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt” và góp ý tại đây.