Di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Chung tay hỗ trợ hộ nghèo tái định cư
Xã hội - Ngày đăng : 18:14, 26/03/2020
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được xem là dự án mang tính lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2021 hoàn thành di dời ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ dân. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2025 dự kiến hoàn thành di dời ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… với 1.263 hộ dân.
Đợt 1 của giai đoạn 1 đề án đang được triển khai tại 4 phường nội thành với tổng số trên 500 hộ dân, trong đó có 25 hộ nghèo. Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ người nghèo thuộc dự án có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống. Nhiều hộ nghèo đã được “cưu mang”.
Gia đình bà Trần Thị Gái được hỗ trợ 50 triệu đồng |
Trong chiều 26/3, Tập đoàn Gold Group có trụ sở ở Thừa Thiên Huế đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng cho hộ bà Trần Thị Gái (SN 1954, trú tổ 17 phường Thuận Lộc, TP. Huế). Gia đình bà Gái được xem là hộ quá tận khổ, số phận chưa biết “trôi về đâu”.
Bà Gái kể, xưa nay vợ chồng bà làm nhiều nghề kiếm sống như xe thồ, bán vé số, làm thuê, làm mướn… Gia đình nghèo không đủ ăn, không có tiền thuê nhà, được bà con thương tình cho ở trọ “nay chỗ này mai chỗ khác” nên không cố định.
Năm 2011, chồng bà Gái chết do bệnh tim không có tiền chữa trị, người dân phải quyên góp làm đám tang. Bản thân bà cũng bị bệnh tim nặng gần 10 năm nay, BVTW Huế chỉ định mổ nhưng không có tiền. Con dâu là người dân tộc Chăm. Cả hai vợ chồng con trai đều không biết chữ, bán vé số nuôi cả nhà 6 người, với 3 đứa con nhỏ không đủ ăn, mặc.
“Nếu tỉnh và các nhà hảo tâm không giúp đỡ thì gia đình tôi chỉ biết ở gầm cầu. Nghe chủ tịch tỉnh phát biểu sẽ chăm lo cho hộ nghèo tôi rất mừng. Có được cái nhà ở ổn định là ước mong cả đời người chúng tôi...”, bà Gái tâm sự.
Bà Gái xúc động phát biểu |
Nhận số tiền hỗ trợ trên tay, bà Gái không khỏi vui mừng đến bật khóc giữa hội trường UBND phường Thuận Lộc. Đại diện Tập đoàn Gold Group chia sẻ, hộ bà Trần Thị Gái là hộ nghèo, rất đáng thương, cần phải giúp đỡ. Món quà dù nhỏ những mong muốn gia đình bà Gái có thêm kinh phí để xây nhà, sớm ổn định cuộc sống và thoát nghèo vườn lên. Gold Group cũng cho biết sẽ tiếp tục đồng hành với người dân nghèo thuộc Đề án di dân ra khỏi Kinh thành Huế trong thời gian tới.
Bà Phan Thị Cúc – Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho hay trong đợt di dân đầu tiên này, phường chiếm số đông hộ nghèo, trong đó hộ bà Gái cực kỳ khó khăn mà ai ai cũng biết.
“Sự giúp đở này là cực kỳ quý báu, hi vọng bà Gái cùng các con sẽ sớm ổn định. Thật sự cảm ơn doanh nghiệp và mong nhiều nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa tới các hộ nghèo trong đề án di dân này...”, bà Cúc nói.
Ngày 22/3 vừa qua, thị sát tình hình tiến độ xây nhà ở tái định cư cho các hộ nghèo tại Khu tái định cư Hương Sơ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị, UBND TP. Huế cùng đơn vị thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến, giữa tháng 6 này, 25 nhà ở cho hộ nghèo sẽ hoàn thành và sẽ bàn giao cho các hộ dân chuyển đến sinh sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy phép xây dựng nhà cho các hộ nghèo |
“Không vì phòng dịch mà làm chậm tiến độ xây dựng nhà tái định cư cho bà con; phải đẩy nhanh tiến độ, sớm được ngày nào thì tốt cho bà con ngày đó; trong quá trình thi công phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, có sự giám sát của nhiều đơn vị và của chính các hộ dân”, ông Thọ nhấn mạnh.
Trong 25 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở trong đợt này có những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND TP. Huế phải có những chính sách đặc biệt cho các hộ nghèo đặc biệt, huy động từ các nguồn để hổ trợ thêm cho bà con trong thời gian chờ đợi về nhà mới cũng như sau khi bàn giao nhà.
“Phải làm sao để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, khi đến nơi ở mới, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Thọ nói.