Thế giới quy hoạch sử dụng đất ra sao?

Đất đai - Ngày đăng : 13:35, 17/03/2020

(TN&MT) - Tại mỗi quốc gia với các chế độ chính trị khác nhau, các giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau đều chú trọng đến quy hoạch đất đai tổng thể lãnh thổ, quy hoạch vùng, có hệ thống phân cấp về quy hoạch rõ ràng. Tất cả các nước đều xác định tầm quan trọng của quy hoạch sử dụng trong hệ thống quy hoạch.

Tại Nhật Bản, quy hoạch tổng thể phát triển đất quốc gia được xây dựng theo quy định của Luật Tổng thể phát triển đất quốc gia (1950). Quy hoạch tổng thể phát triển đất quốc gia có 3 cấp: Cấp Quốc gia được quyết định bởi Thủ tướng; cấp vùng được quyết định bởi Thủ tướng với sự tham vấn Hội đồng phát triển quỹ đất quốc gia; cấp cơ sở được tỉnh trưởng trình Thủ tướng xem xét quyết định sau khi có ý kiến tham vấn của Hội đồng phát triển đất quốc gia và các Bộ trưởng liên quan.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia ở Nhật Bản là quy hoạch dài hạn cho việc sử dụng đất quốc gia, quy định khái quát, cơ bản về sử dụng đất quốc gia, quy mô các mục tiêu, trách nhiệm rõ ràng đối với mục đích sử dụng đất quốc gia, và đưa ra các biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được thiết lập ở 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp vùng và cấp cơ sở. Ngoài ra, Nhật Bản còn có các loại hình quy hoạch sau: quy hoạch vùng ưu tiên phát triển nông nghiệp, quy hoạch cơ sở, quy hoạch cải tạo các vùng cộng đồng ngoại ô.

Tất cả các quốc gia đều xác định tầm quan trọng của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch

Còn tại Trung Quốc, hệ thống quy hoạch sử dụng đất được tổ chức tương đối giống quy hoạch sử dụng đất hiện nay ở nước ta, tuy nhiên giữa cấp tỉnh và cấp huyện Trung Quốc còn xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp vùng - hạt là cấp liên kết giữa cấp tỉnh và cấp huyện, định hướng quy hoạch cho các địa phương.

Bên cạnh đó, việc quản lý thực hiện quy hoạch ở Trung Quốc được quy định tương đối chặt chẽ, thể hiện ở các khía cạnh: Các quy hoạch phải xác định những nội dung có tính bắt buộc; quy định chặt chẽ những trường hợp được phép thay đổi, điều chỉnh quy hoạch; nguyên tắc bảo vệ đất nông nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên, di sản văn hóa, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong mỗi lần triển khai thực hiện lập quy hoạch ở Trung Quốc đều có mục tiêu và chủ đích rõ ràng về việc tập trung giải quyết nội dung quy hoạch đất đai cụ thể của loại đất nào và lĩnh vực nào.

Ảnh minh họa

Còn ở Liên Bang Nga, hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai là hệ thống quản lý từ vĩ mô đến vi mô và chúng được phân chia theo từng cấp lãnh thổ. Mỗi một cấp có mục tiêu và nội dung cụ thể riêng. Trong quy hoạch sử dụng đất, việc phân cấp lãnh thổ giúp cho chính quyền quản lý một cách chi tiết hơn công tác quy hoạch đất của từng địa phương, đồng thời, có cái nhìn tổng hợp tình hình chung và những xu thế của đất nước.

Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất còn có liên quan tới rất nhiều lĩnh vực khác, vì vậy trong mỗi cấp lãnh thổ còn có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành của các cấp mình. Quy hoạch sử dụng đất ở Liên Bang Nga được chia ra làm hai cấp dựa trên quy mô của lãnh thổ và mức độ yêu cầu của công việc, đó là: Quy hoạch tổng thể (là quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên) và Quy hoạch chi tiết (là quy hoạch sử dụng đất từ cấp huyện trở xuống).

 

Tất cả các nước đều xác định tầm quan trọng của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất được lập từ tổng thể đến chi tiết (từ vĩ mô đến vi mô), trong đó, quy hoạch sử dụng đất cấp vĩ mô (toàn quốc và các vùng lãnh thổ) có vai trò định hướng cho các quy hoạch sử dụng đất cấp vi mô (tỉnh, huyện, xã). Ngoài quy hoạch cấp vùng lãnh thổ là cấp trung gian giữa quy hoạch toàn quốc và quy hoạch các cấp địa phương, có vị trí quan trọng và là yếu tố cấu thành của quy hoạch sử dụng đất toàn quốc, là căn cứ định hướng của quy hoạch đất đai các cấp hành chính.

 

Thúy Nhi