Hà Nội: Phải xử lý nghiêm để chấm dứt nạn rơi vãi bùn đất, phế thải

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 20:25, 16/03/2020

(TN&MT) - Liên tiếp thời gian gần đây trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, nhất là các tuyến đường tại các quận, huyện ven đô, tình trạng bùn đất, phế thải, vật liệu xây dựng rơi vãi thành từng đống lớn, đống nhỏ lại tái diễn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Trước thực trạng nhức nhối này dư luận đặt câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý?

Nạn rơi vãi bùn đất, phế thải bao giờ chấm dứt ?

Theo phản ánh của người dân, ngày 15/3/2020 nhiều phương tiện ô tô đã phải rất khó khăn mới có thể khi lưu thông qua đoạn km8 + 500, địa phận hành chính thuộc An Khánh, huyện Hoài Đức làn cao tốc hướng từ Trung tâm thành phố Hà Nội về phía Hoà Lạc, bởi tình trạng bùn đất, phế thải, vật liệu xây dựng đổ vương vãi đầy mặt đường.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tình trạng trên diễn ra tại khu vực này. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Lan - Xã Vân Côn, huyện Hoài Đức cho biết: Trong các ngày 2/3; 3/3 tại Km2 đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn cầu Mễ Trì và gần khu Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thuộc địa phận phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; Km9 + 565 địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức và Khu vực gầm cầu đường 70 bắc qua Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm xuất hiện các đống đất, phế thải xây dựng đổ ven đường gây ô nhiễm, chiếm diện tích lớn ven Đại lộ…

“Thậm chí, có nhiều đoạn đường trên Đại lộ Thăng Long còn bị phủ một lớp bùn đất dày hàng chục centimet, trời nắng thì bụi, trời mưa thì cả đoạn đường trở nên trơn trượt, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông” - Bà Nguyễn Thị Lan nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đại diện Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo đơn vị đã điều động ngay 12 công nhân, 2 xe hút quét, 2 xe ô tô tải để dọn dẹp lượng bùn đất, phế thải phát sinh tại đây.

Hiện nay có nhiều xe chở vật liệu không tuân thủ, hoặc chỉ mang tính chất đối phó khi lưu thông trên đường.

Cùng với đó, Chi nhánh Cầu Diễn đã bố trí xe tưới nước để rửa đường, đảm bảo phong quang mặt đường, không để ô nhiễm bụi từ các đống phế thải rơi vãi ảnh hưởng ra các khu vực xung quanh, cũng như đảm bảo sự an toàn cho người dân cùng các phương tiện tham gia giao thông qua đây.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, tình trạng này không chỉ có trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long mà ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đi dọc các tuyến đường có mật độ giao thông dày đặc như Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Quốc lộ 32… có thể dễ dàng bắt gặp những đoạn đường bụi bẩn bởi đất, cát rơi vãi.

Theo quy định bất kỳ phương tiện nào khi chở vật liệu xây dựng, phế thải vào nội đô thành phố đều phải bịt kín không để xảy ra hiện tượng bụi, rơi vãi vật liệu xuống đường. Cũng bởi vậy tất cả các xe khi ra khỏi công trường xây dựng để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường đều phải tuân thủ quy định rửa sạch mới được lưu thông.

Quy định là như thế, tuy nhiên có thể thấy hiện nay có nhiều xe chở vật liệu không tuân thủ, hoặc chỉ mang tính chất đối phó. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rơi vãi vật liệu xây dựng xuất phát từ việc che chắn thành thùng của các phương tiện xe tải vận chuyển. Các xe tải chở vật liệu vào thi công công trình không thường xuyên được cọ rửa, phụt nước dẫn đến hiện tượng đất đá bám theo bánh xe, gầm xe làm rơi vãi khi di chuyển…

Công nhân môi trường phải vất vả thu gom đất cát, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường

Trước những bức xúc về môi trường nói trên dư luận đặt ra câu hỏi đến bao giờ trên đường phố Hà Nội chấm dứt cảnh rơi vãi bùn đất, phế thải, vật liệu xây dựng ? Trả lại bầu không khí trong sạch vốn có cho người dân.

Và để trả lời câu hỏi này, hơn lúc nào hết dư luận chờ đợi sự cuộc tích cực tích cực, trách nhiệm từ phía lực lượng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội; Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện liên quan. Trong đó, cần phải phân rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tránh trường hợp "cha chung không ai khóc".

Cùng với việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trên đường, lực lượng chức năng thành phố cần xử lý nghiêm các đơn vị thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm rơi vãi bùn đất, đá dăm, phế thải, vật liệu xây dựng. Từ đó tạo sức răn đe, để họ không tiếp tục tái phạm.

Huy An