Tạo điều kiện hình thành khu xử lý rác tập trung

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 14:53, 05/03/2020

(TN&MT) - Đây là quy định được đặt ra trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhằm tối đa hóa lợi ích từ chất thải thông qua các công nghệ xử lý hiện đại.

Cấm chôn chất thải trực tiếp chưa qua xử lý

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho hay, điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là cấm chôn trực tiếp chất thải, chỉ được phép chôn lấp chất thải khi đã qua xử lý.

Đồng thời, Việt Nam cũng khuyến khích các địa phương phát triển công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng. Để ứng dụng được công nghệ này, lượng chất thải phải đủ lớn, với công suất từ 300 - 400 tấn/ngày. Vì vậy, cần hình thành khu vực xử lý chất thải rắn tập trung, liên huyện, liên tỉnh.

“Phải rà soát toàn bộ quy hoạch của các tỉnh, thành phố để hình thành các khu xử lý chất thải tập trung để đủ áp dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, tránh tình trạng phân tán nhỏ lẻ và không khuyến khích việc chôn chất thải không qua xử lý. Sẽ không để hình thành các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh”, ông Hiền khẳng định.

Đối với các bãi rác hiện nay, ông Hiền cho biết, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã quy định cụ thể đối tượng phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi chôn lấp và các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh gây ô nhiễm.

Dự thảo Luật (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp nêu trên; tổ chức giám sát môi trường định kỳ, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường; báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường của địa phương; lập hồ sơ bàn giao mặt bằng cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý; đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, Luật giao UBND cấp tỉnh lập kế hoạch, bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý; phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không do Nhà nước quản lý và giao Chính phủ quy định về tạo ưu đãi đối với việc cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Lấy ví dụ về sự thành công trong cải tạo bãi rác, ông Hiền nêu điển hình về bãi rác Mễ Trì (Hà Nội) hiện nay đã trở thành một khu đô thị rất đẹp. “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh thành các khu vực có ích, phù hợp với việc sử dụng đất”, ông Hiền nói.

Bãi rác ở Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã được cải tạo thành "công viên". Ảnh: Hoàng Minh

Rõ quy trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại

Trước lo ngại về việc vẩn chuyển, xử lý chất thải nguy hại có thể gây ra các sự cố môi trường hay các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường như đổ trộm chất thải, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho biết, theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã quy định rõ yêu cầu đối với các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại phải thực hiện 2 nội dung, gồm đăng ký chủ nguồn thải phát sinh chất thải nguy hại và khai báo hàng năm tình hình phát sinh. Nếu cơ sở không tự xử lý, phải chuyển cho các đơn vị có chức năng xử lý.

Về việc vận chuyển chất thải nguy hại, theo quy định của dự thảo Luật, các đơn vị được phép vận chuyển chất thải nguy hại đến cơ sở xử lý gồm: chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường hoặc tổ chức có giấy phép môi trường phù hợp với loại chất thải cần xử lý. Với quy định này, chủ nguồn thải cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại nếu có phương tiện vận chuyển đáp ứng quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; mặt khác đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại được vận chuyển chất thải nguy hại phù hợp mà không bắt buộc phương tiện vận chuyển phải được nêu trong giấy phép. Điều này nhằm giảm thiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua, đồng thời, vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc vận chuyển chất thải nguy hại.

“Cùng với đó, Nhà nước không khuyến khích xử lý chất thải nguy hại theo địa bàn một tỉnh mà hướng theo xử lý các khu tập trung”, ông Hiền thông tin.

Với chất thải công nghiệp thông thường, ông Hiền nhấn mạnh, nếu chất thải phát sinh có thể tái chế, tái sử dụng ngay thì coi đó là nguồn tài nguyên. Ví dụ, đối với tro xỉ, có 2 tình huống, nếu hợp chuẩn hợp quy, đáp ứng yêu cầu có thể dùng làm vật liệu xây dựng; còn khi hợp chuẩn hợp quy không đáp ứng yêu cầu, được quản lý là đối tượng chất thải. Đây là điểm mới của dự thảo Luật mới so với Luật cũ, khi chất thải được coi là tài nguyên, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Khoảng 900 bãi rác hình thành theo hình thức chôn lấp đã và đang gây nên nhiều hệ lụy đối với môi trường và đời sống người dân. Hiện trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết: Không thể để tiếp diễn chôn lấp rác trực tiếp và tìm công nghệ phù hợp, có các quy định để rác không còn nằm sâu trong lòng đất.

BÌNH MINH