Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Xác lập rõ đối tượng phải thực hiện ĐTM
Môi trường - Ngày đăng : 15:36, 03/03/2020
Không phải dự án nào cũng thực hiện ĐTM
Với quan điểm giảm thiểu gánh nặng TTHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các dự án nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã phân định rõ vai trò của công cụ ĐTM và các công cụ quản lý môi trường khác trong các giai đoạn xem xét đầu tư, thực hiện dự án, đồng thời, hài hòa với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế.
Theo đó, Dự án Luật đã xác lập rõ đối tượng phải thực hiện ĐTM và GPMT trên cơ sở tiêu chí về tác động đến môi trường của dự án đầu tư được xét theo quy mô, tính chất, mức độ tác động đến môi trường mà yêu cầu các thủ tục môi trường theo 4 nhóm dự án đầu tư khác nhau. Cụ thể, nhóm 1: phải thực hiện ĐTM, không cần phải có GPMT. Nhóm 2: phải thực hiện ĐTM và phải có GPMT. Nhóm 3:Không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT. Nhóm 4: Không phải thực hiện thủ tục môi trường.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phân định rõ dự án phải lập ĐTM |
Tổng cục Môi trường cho rằng, việc quy định những dự án ít có tác động tới môi trường (nhóm 3, nhóm 4) không phải thực hiện ĐTM sẽ làm giảm chi phí cho việc thẩm định báo cáo ĐTM, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án có thể sớm triển khai thực hiện.
ĐTM chỉ có ý nghĩa khi xây dựng dự án
Thay đổi quan niệm ĐTM là “công cụ vạn năng” đi suốt vòng đời của dự án, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định lại vai trò của ĐTM, coi đây là công cụ dự báo và chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn triển khai xây dựng dự án.
Cùng với việc phân định rõ dự án nào cần thực hiện ĐTM, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về ĐTM theo hướng quy định cụ thể về trình tự thực hiện các thủ tục về môi trường (trong đó có ĐTM) đối với từng loại dự án đầu tư cụ thể tương ứng với trình tự triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng. Chủ dự án sẽ biết mình phải làm những công việc gì theo từng giai đoạn thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, các yếu tố về xã hội được bổ sung tại các nội dung về báo cáo ĐTM, bắt buộc phải có quy trình tham vấn, công khai thông tin, giám sát thực hiện. Quy định các yếu tố về xã hội trong nội dung về ĐTM làm rõ hiện trạng, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của các đối tượng bị ảnh hưởng (trực tiếp, gián tiếp) và đánh giá những rủi ro, ảnh hưởng của các đối tượng này trong việc tiếp cận, sử dụng tài nguyên khi dự án đi vào hoạt động, qua đó, đưa ra các biện pháp giảm thiểu (ví dụ: thay đổi sinh kế) nhằm ổn định đời sống nhân dân.
Cho biết thêm về việc tham vấn ĐTM, PGS. TSKH Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường thông tin, sẽ có quy định rõ về nội dung, cách thức phải thông tin về ĐTM đến người được xin ý kiến. Hình thức có thể là công khai trên kênh thông tin của địa phương hoặc chủ dự án. Đây là trách nhiệm của chủ dự án trong quá trình tham vấn, đồng thời, sẽ quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức tham vấn. Khi đó, địa phương phải họp dân thực sự, thông tin đầy đủ; thông tin phải được công khai tại nơi triển khai dự án. Về trách nhiệm phê duyệt ĐTM, ông Hải cho hay, nếu dự án không nằm trong bí mật quốc gia, sẽ do Bộ TN&MT hoặc cấp tỉnh phê duyệt.