Triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai
Đất đai - Ngày đăng : 10:26, 03/03/2020
Thời gian qua, Bộ TN&MT và các địa phương đã triển khai, tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị,xây dựng cơ sở dữ liệu đất đaivà nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các các dịch vụ công cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy vậy, so với yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ còn bộc lộ những hạn chế, lộ trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm và chưa đồng bộ.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai, đến hết năm 2019, trên cả nước hiện có 165/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, chiếm 23,14% trên tổng số huyện (tăng 4 huyện so với năm 2018).
Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai cần sớm được triển khai thực hiện |
Một trong những nguyên nhân là do các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có các công cụ cần thiết để thực thi chính sách pháp luật đất đai ở địa phương, đặc biệt, các công cụ để quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai - yếu tố cốt lõi hỗ trợ công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, thống nhất. Hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác, tính đầy đủ…
Ngoài ra, do chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý, dẫn tới việc khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Dữ liệu đất đai mới tập trung vào cơ sở dữ liệu địa chính, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… Việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau cùng khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả của các nguồn lực đã đầu tư.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã được Bộ TN&MT triển khai vào những năm 2014 - 2015. Ngày 23/12/2016, Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định tài trợ Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, có hiệu lực từ tháng 3/2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD cho 33 tỉnh, thành phố, thực hiện trong thời gian 5 năm (2017 - 2021).
Tuy vậy, dự án này mới chỉ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản cho 33 tỉnh, thành phố, nên trong năm 2019, Bộ TN&MT đã đề xuất xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện.
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục của Dự án “Tăng cường Quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”; triển khai xây dựng Đề án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, trong đó, xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tiếp tục phối hợp với các Tổng cục Thuế và một số địa phương để thí điểm thực hiện việc liên thông thủ tục hành chính về đất đai theo hình thức điện tử.