Cần ban hành chính sách “cứu” vận tải trước dịch Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 12:08, 28/02/2020
Nhiều đơn vị vận tải kiến nghị Bộ GT&VT báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn vô cùng khó khăn này.
Hàng không Việt thất thu 25.000 tỷ đồng vì dịch Covid-19
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không (CHK) trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.
Cũng trong tháng 2/2020, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách. Mức sụt giảm lên tới 2 con số sau nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không Việt Nam là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 khiến lượng khách năm nay của hàng không giảm 15%. Ảnh minh họa |
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đến ngày 26/2/2020, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan, 92% số chuyến bay đến Hong Kong.
Các chuyến bay đến Nhật Bản dù chưa cắt giảm, vẫn giữ 160 chuyến/tuần; tuy nhiên các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng đã cắt giảm 41% chuyến bay.
Về đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, số lượt xe, doanh thu, sản lượng của cả xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch… tại các tỉnh, thành phố đều giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, tại Hà Nội, lượng khách xuất bến tại các bến xe đều giảm mạnh. Chẳng hạn như, bến xe Yên Nghĩa giảm tới 42%, Giáp Bát giảm 49%, Nước Ngầm giảm 33%, Mỹ Đình giảm 34%. Tại Hải Phòng, con số này còn lên tới 70%, tại Vĩnh Phúc là 60%, Quảng Ninh 60%, Thanh Hoá 50%...
Thậm chí, nhiều đơn vị muốn dừng hoạt động vì quá vắng khách, thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, do sợ nếu thực hiện dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến nên vẫn phải duy trì. Các bến xe cũng vô cùng khó khăn vì lượng xe xuất bến giảm trong khi vẫn phải trả lãi vay, bảo hiểm, tiền lương…
Về hàng hoá, từ ngày 1/2 đến nay, lượng phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giảm tới 58% so với cùng kỳ 2019. Số phương tiện qua cửa khẩu Lào Cai cũng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, vận tải biển, cảng biển cũng rất khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Theo Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), khó khăn với vận tải biển phải kéo hết 2020. Bởi lẽ, vùng Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Macao, Đài Loan chiếm 7/10 cảng biển lớn nhất thế giới. Hàng hoá qua các tuyến này chắc chắn sẽ giảm mạnh. Hiện tại, các hãng tàu lớn đều đã cắt hết các tuyến qua Trung Quốc. Do vậy, sản lượng tàu ra vào các cảng biển Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng.
Tình hình với đường sắt cũng không khả quan hơn, ngoài việc dừng tàu liên vận Gia Lâm - Bằng Tường từ 4/2, một số tuyến ngắn như Hà Nội - Vinh, TP HCM - Phan Thiết đã cắt giảm 3 - 4 chuyến.
Số lượt xe, doanh thu, sản lượng của cả xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch… đều giảm nghiêm trọng. Ảnh minh họa |
Trước đó, thông tin từ Vụ Vận tải cho biết, sản lượng hành khách đường sắt giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019. Về hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 1 cũng giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 1/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ giá cho dịch vụ hàng không
Để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, Cục Hàng không VN đề xuất Bộ GT&VT báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.
Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ 1/3 - 31/5; Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác…
Đồng thời, đề nghị Bộ GT&VT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; Xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…
Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ GT&VT “kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách cho vận tải, bến xe như giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng, cho lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…”.
Khẳng định các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục bị ngừng đột ngột đã tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không, Bộ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát kỹ những ảnh hưởng do dịch Covid-19. Diễn biến dịch bệnh liên tục thay đổi, do đó số liệu thiệt hại cũng phải được cập nhật hàng ngày, hàng tuần, từ đó đưa ra các đề xuất hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ GT&VT cũng yêu cầu các cơ quan nhanh chóng nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị, giải pháp. Đồng thời đặc biệt lưu ý các đơn vị khi đưa ra các số liệu về ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải “chính xác, không chung chung, không thổi phồng”.
Đánh giá ảnh hưởng dịch bệnh, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, trong trường hợp khả quan nhất, dịch được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với năm 2019. Trường hợp xấu hơn, khi dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi/đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019 (79,1 triệu khách).