Trả về đại dương những mầm sống

Biển đảo - Ngày đăng : 10:19, 25/02/2020

(TN&MT) - Sau khi cứu chú cá heo có tên là Sasa bị trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng hồi cuối tháng 6/2018, đến tháng 7/2018, Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã SASA (SST) được thành lập. Từ đó tới nay, nhiều rùa biển, cá heo, san hô… đã được nhóm cứu hộ và hồi sinh..

1. Ban đầu, Sasa Team gồm có 6 thành viên, do anh Lê Chiến là trưởng nhóm. Đây là những người trẻ có chung tình yêu biển cả, đã bỏ công sức, tiền của, ngày ngày dầm mình dưới nước để khôi phục và bảo vệ san hô cũng như cứu chữa những sinh vật biển bị thương trôi dạt vào bờ...

Chia sẻ về lý do cứu hộ san hô, anh Lê Chiến cho biết: “Nếu ai đó đã từng có cơ hội nhìn ngắm rạn san hô, sẽ thấy đó là tác phẩm vĩ đại nhất của tự nhiên, bức tranh vô cùng sống động đó luôn thay đổi theo từng khoảng khắc và luôn ngập tràn sự sống. Vậy nhưng, san hô ở biển Việt Nam đang bị tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là do các hoạt động du lịch”.

Các thành viên Sasa Team vận chuyển bàn dưỡng đến giá thể ở độ sâu 5 mét nước

Gắn kết những “vệ sĩ” của biển khơi, nhóm Sasa dần thu hút nhiều thành viên hơn, thay nhau lặn ngụp ở vùng biển quan bán đảo Sơn Trà để cứu san hô bị tổn thương. Sau một quá trình nuôi dưỡng, san hô bị hãy hay mất dần sự sống đã được hồi sinh. “95% san hô được cứu hộ đều sống và phát triển rất tốt. Với một số trường hợp đặc biệt, những tán san hô bị chôn vùi, gần như chết trắng, sau một thời gian được dưỡng và chăm sóc, đã hồi phục vô cùng mạnh mẽ. Điều này khiến cho các thành viên trong nhóm vô cùng xúc động” - anh Chiến bộc lộ.

Niềm xúc động của nhóm đã lan ra cộng đồng khi những câu chuyện về những nhánh san hô được kể lại chi tiết từng ngày.

Có nhánh san hô được đặt tên là Lucas. “Đã tròn 29 ngày Lucas ra đời, các bạn san hô trên lưng Lucas phát triển rất tốt nhé. Các bạn hãy chú ý đến các ngọn trắng nhú ra, các bạn ấy lớn rất nhanh và ổn định qua những ngày biển động. Cá nhỏ về rất nhiều, các bạn cua cũng bắt đầu tìm đến. Lucas tượng trưng cho sự tri thức và sự trường tồn. Chúng mình luôn cố gắng xuống biển mỗi khi có thể để chăm sóc Lucas và quan sát các thay đổi”.

- “Bọn mình đặt tên bạn này là chân gà, sau chính xác 42 ngày trên giá thể, chân gà đã mọc cựa dài hơn 2cm, 21 ngày 1 cm, các bạn có thấy thần kỳ không?”

- Ngày 30/9/2019: Chuyện bây giờ mới dám kể!

Bốn tháng trước, chúng mình tìm thấy hai cụm san hô bàn này bị đạp gẫy, lật úp, một phần bị vùi trong cát. Khi đưa về bàn dưỡng, 2 bạn này đã mất màu hoàn toàn, gần như bị tẩy trắng, các xúc tu đờ đẫn không cử động. Nhưng đâu đó, bọn mình vẫn biết sự sống vẫn còn trong đó. Thế rồi 1 tháng trôi qua, ngày ngày, bọn mình vẫn cố gắng dưỡng, chắm sóc, loại bỏ rêu tảo.

Xót xa những bức tường được xây bằng san hô

Hai tháng trôi qua và vẫn không nhiều sự khác biệt, nhưng sự sống vẫn còn do chưa bị tảo xâm hại. Tháng thứ 3, đã có một chút sự thay đổi, màu sắc đã đậm hơn. Đến tháng thứ 4, các bạn thấy không, màu sắc đã hoàn toàn hồi phục. Thực sự bọn mình mừng muốn khóc và đã có nước mắt của những người chăm sóc trực tiếp. Không điều gì là không thể. Sự sống thật kỳ diệu, Đại dương thật kỳ diệu!”…

Những hình ảnh, những câu chuyện về san hô được cập nhật hàng ngày trên Trang thông tin của Sasa Team, để ở nhiều nơi, nhiều người biết tới ở vùng biển miền Trung nắng gió, những người trẻ vẫn miệt mài khơi dậy mầm sống của biển khơi… Và như trưởng nhóm Lê Chiến nói: “Những ngày chăm sóc san hô dưới đáy biển, được tận mắt chứng kiến quá trình phát triển và các dịch vụ sinh thái mà san hô mang lại như cung cấp môi sinh cho tôm cá, chúng tôi càng tin tưởng và quyết tâm hơn trong việc mình làm!”.

2. Có một chú rùa tên là Thảo. Thảo đến với nhóm Sasa khi được Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An trao gửi, sau khi được tìm thấy đuối sức do va chạm với tàu thuyền hồi đầu tháng 11/2019. Thảo bị vỡ xương hàm, gãy chi trước bên phải, gãy chi sau bên phải, mất khớp chi sau bên trái, vỡ mai, hoại tử mô, viêm đường ruột. Để cứu Thảo, anh Chiến cùng đồng đội đã đưa Thảo vào bể nước tự chế với phao bơi của trẻ em và khăn đắp để tránh mất nhiệt. Đưa Thảo đi chụp chiếu, truyền kháng sinh, tận tay cho ăn… niềm vui như nhân lên từng ngày khi dần dần, các vết thương về vật lý đã hoàn toàn lành, Thảo dần tập bơi, tập lặn và tự ăn. Vậy nhưng, sau hơn 2 tháng, Thảo đã bị quật ngã bởi căn bệnh viêm phổi cấp bạo liệt. “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng Thảo đã không qua khỏi!!!” - nhóm thông tin.

Cũng như Thảo, Chi là chú rùa bị thương rất nặng và không thể ăn được. “Chúng tôi đặt tên rùa là Chi vì khi tiếp nhận tình trạng rất đáng thương, hai chân trước liệt hẳn. Đặt tên Chi để mong chân rùa có thể hoạt động trở lại” - anh Chiến tâm sự.

Sasa đưa rùa về chăm sóc, điều trị bằng kháng sinh, sưởi ấm, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Họ phải đưa rùa vào... bệnh viện. Tiến hành nội soi, họ phát hiện trong bụng rùa có rất nhiều rác như lưới, nhựa.. gây tổn thương khiến rùa không thể ăn được. Sau đó, các bác sĩ đã cố gắng lấy số rác trong bụng của rùa ra nhưng chỉ lấy được một phần rất nhỏ. Chi đã ra đi trong sự ngậm ngùi của các thành viên Sasa...

Nỗi buồn đọng lại. Nhưng hành trình cứu sinh vật biển của Sasa Team thì vẫn tiếp diễn. Năm qua, nhóm đã tham gia trực tiếp cứu hộ khoảng 14 - 16 trường hợp rùa biển, 4 trường hợp cá heo. Năm 2020, nhóm đặt mục tiêu sẽ triển khai 2 trạm cứu hộ thực hiện tại Cù Lao Tràm và ở Quảng Trị. Còn cơ sở của nhóm ở Đà Nẵng, nhóm mong thuê được chỗ rộng rãi hơn để làm được một cái trạm cứu động vật biển.

Rùa Thảo được nhóm chăm sóc, rất tiếc đã không qua khỏi

3. Ghi lại những hình ảnh về san hô đã chết ở Phú Yên vào những ngày đầu năm 2020, các thành viên nhóm Sasa không khỏi xót xa khi bờ biển ngập trong rác, san hô chết được vun vào thành những bãi lớn, người ta lấy thậm chí còn xây những bức tường bằng san hô, đem về nhà làm cảnh. Có thể rạn san hô ở đây đã chết lâu lắm rồi nhưng dù đã chết, xác san hô vẫn là những cỗ máy cung cấp dịch vụ sinh thái cho biển.

“Những hình ảnh này cho thấy sự cấp thiết của việc hình thành các trạm cứu hộ sinh vật biển tại các địa phương ven biển, không chỉ để phản ứng nhanh mà còn để triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, phát triển bền vững”, nhóm chia sẻ.

Cho đến nay, Sasa Team luôn kiên trì nhiệm vụ của cứu hộ động vật hoang dã bị gặp nạn hay bị nuôi nhốt, bị đối xử tàn bạo; cải thiện phúc lợi của động vật bằng cách chống lại sự tàn ác trong vấn đề nuôi nhốt hoặc buôn bán nhằm vụ lợi đối với động vật hoang dã thông qua giáo dục; tuyên truyền kiến thức cơ bản cho giới trẻ để khi gặp bất cứ trường hợp động vật hoang dã bị nạn hay nuôi nhốt có thể xử lý để hạn chế rủi ro ít nhất có thể.

“Chúng tôi cố gắng truyền cảm hứng về sự đồng cảm và trách nhiệm đối với động vật hoang dã cũng như đối với thiên nhiên, môi trường. Lý tưởng nhất là toàn bộ cộng đồng và các nhóm sẽ đứng lên, nâng cao tiếng nói của họ và thực hiện hành động nhằm cải thiện quyền lợi động vật. Trao quyền cho thanh thiếu niên tạo nên sự khác biệt làm tăng tiềm năng tạo ra một thế giới quan tâm, tương tác và yêu thương hơn”, nhóm cho biết.

Trên hành trình cứu những mầm sống của biển cả, Sasa Team nhắn nhủ: “Việt Nam với một đường biển dài tuyệt đẹp, những quần đảo mà chỉ số đa dạng sinh học vô cùng cao trên thang điểm thế giới, nhưng chúng ta cần cố gắng hơn nữa để bảo tồn vì đại dương đang thực sự bị đe dọa bởi rác của chúng ta, biến đổi khí hậu gây mất cân bằng sinh thái và tiêu diệt dần các rạn san hô, khai thác thiếu bền vững, đánh bắt hải sản quá mức đang làm đại dương của chúng ta trống rỗng.

 Việc chúng tôi làm thực sự rất nhỏ và chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng: Dù bạn là ai, bạn ở đâu, bạn làm việc gì, bạn cũng luôn có thể làm việc cho đại dương theo một cách nào đó. Đơn giản là không xả rác, không dùng đồ nhựa thải ra môi trường!”.

Tống Minh