Bình Định: Điện sẽ về với đồng bào Bana xã Canh Liên

Xã hội - Ngày đăng : 18:12, 20/02/2020

(TN&MT) - Huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định hiện còn 05 làng đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng lưới điện cho làng Kà Bông, làng Cát, làng Chồm, xã Canh Liên. Tin vui đầu năm mới 2020 này, sẽ làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình dân tộc Bana nơi đây.

Huyện miền núi Vân Canh hiện còn 05 làng chưa có điện lưới quốc gia gồm: làng Chồm, làng Kà Bông, làng Cát, làng Canh Tiến thuộc xã Canh Liên và làng Canh Giao, thuộc xã Canh Hiệp của huyện Vân Canh. Thiếu điện nên cuộc sống của bà con dân tộc Bana gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, diện hộ nghèo chiếm đa số. Những ngôi làng này nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, lẫn sâu trong những cánh rừng già trở thành những ngôi làng “biệt lập”.

Làng Cát xã Canh Liên chưa có lưới điện quốc gia

Canh Liên là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vân Canh. Xã tất cả 08 làng thì có đến 04 làng vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế hết sức khó khăn. Do thiếu điện nên người dân sống trong cảnh tù mù, thiếu thốn thông tin, lạc hậu. Bởi vậy, niềm mong ước của người dân nơi đây là điện lưới quốc gia về với bà con, để họ có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và thực hiện những dự định trong tương lai.

Không có điện, không được sử dụng các thiết bị điện, cuộc sống của người dân các làng trên vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Đồ dùng trong gia đình chỉ là những vật dụng giản đơn, không dùng bằng điện, nấu cơm bằng củi, than. Nhờ vào những gia đình người Kinh khấm khá có máy xay xát gạo cho nhờ cắm cục sạt điện thoại để liên lạc công việc, làm ăn, giao tiếp hàng ngày.

Người dân sinh sống tại ba làng đa số đều là dân tộc Bana, chủ yếu hộ nghèo và hộ cận nghèo

Chia sẻ với Pv Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Trần Thị Tiếng – Phó Phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho biết: Người dân tộc Bana sinh sống tại làng Chồm, làng Kà Bông, làng Cát thuộc xã Canh Liên đã tồn tại nhiều đời nay. Vì đường đi khó khăn cách trở, nằm biệt lập nên hệ thống lưới điện quốc gia chưa thể đến với bà con.

Bởi vậy, cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu. Người dân sinh sống tại ba làng đa số đều là dân tộc Bana, chủ yếu hộ nghèo và hộ cận nghèo, rất ít hộ gia đình khấm khá. Làng Kà Bông có 95 hộ với 337 nhân khẩu, làng Cát có 82 hộ với 331 nhân khẩu, làng Chồm có 96 hộ với 358 nhân khẩu.

Bà Tiếng chia sẻ thêm: Không có lưới điện quốc gia về làng, huyện Vân Canh đầu tư máy phát điện và dầu cho bà con sử dụng nguồn điện mỗi ngày chỉ có hai tiếng đồng hồ từ 19 - 21 giờ. Nhưng vì người dân không biết cách bảo quản, giữ gìn nên máy phát điện hư liên tục, vì thế ngày có điện ngày không. Bà con sử dụng điện nhờ vào nguồn điện của một số hộ gia đình khấm khá trong làng có máy xay xát gạo để cắm nhờ cục sạt điện thoại. Còn mọi đồ dụng gia đình thường không sử dụng điện, nấu ăn bếp củi, bếp than.

Điện về sẽ làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình dân tộc Bana nơi đây.

Niềm khao khát có điện sinh hoạt không chỉ ở người dân mà còn là niềm mong mỏi của Đảng ủy, chính quyền huyện Vân Canh. UBND huyện Vân canh đã có tờ trình số 08, ngày 03/02/2020 xin phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng lưới điện cho làng Chồm, làng Kà Bông, làng Cát thuộc xã Canh Liên.

Ngày 06/02/2020, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Quyết định số 340 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng lưới điện cho làng Kà Bông, làng Cát, làng Chồm, xã Canh Liên, nhằm phát triển điện lưới quốc gia phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Quy mô dự án gồm đường dây 22kV 2 pha, chiều dài tuyến 10.603m, xây dựng 04 trạm biến áp 22/0,23kV-50kVA với tổng kinh phí đầu tư dự án dự kiến là 14.997.170.000 đồng, từ ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý hỗ trợ và ngân sách huyện Vân Canh, thời gian thực hiện dự án năm 2020 -2022.

Mỹ Bình