Cà Mau là tỉnh ven biển đầu tiên chi trả dịch vụ môi trường rừng
Môi trường - Ngày đăng : 17:11, 05/02/2020
Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với rừng ngập mặn
Dự án nhằm hỗ trợ người nuôi tôm chứng chỉ sinh thái kết hợp bảo tồn rừng ngập mặn ven biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Cà Mau. Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức tài trợ đã tổng kết vào tháng 1/2020.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, chuyên gia chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Dự án, năm 2015, Dự án MAM bắt đầu giúp tỉnh Cà Mau xây dựng cơ chế hỗ trợ việc nuôi tôm rừng có chứng nhận quốc tế, đó là cơ sở cho việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.
“Cà Mau cũng là tỉnh ven biển đầu tiên ở Việt Nam thí điểm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với rừng ngập mặn”, TS. Thành thông tin.
Rừng phòng hộ Kiến Vàng. Ảnh minh họa |
Trước đó, Chính phủ đã có Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, loại dịch vụ môi trường rừng đối với nuôi trồng thủy sản. TS Thành cho rằng, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP mới có tên loại dịch vụ mà chưa có hướng dẫn thực hiện. Đó là quy định dịch vụ môi trường rừng về cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản nhưng không biết ai phải trả tiền, ai được nhận tiền và mức chi trả bao nhiêu?
Do vậy, Dự án MAM2 hỗ trợ tỉnh Cà Mau xây dựng khuôn khổ pháp lý để phát triển bền vững việc nuôi tôm- rừng có chứng nhận quốc tế và thí điểm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Qua hỗ trợ của Dự án, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 22/01/2016 về quy định thí điểm nuôi tôm- rừng có chứng nhận quốc tế, với Điều 8 thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong đó, quy định cụ thể đối tượng trả tiền dịch vụ môi trường rừng là doanh nghiệp thủy sản; đối tượng được nhận tiền là hộ dân ký hợp đồng nhận khoán rừng và Ban quản lý rừng phòng hộ. Mức chi trả là 500.000 đồng/ha/năm cho diện tích rừng của hộ dân. Hợp đồng chi trả trực tiếp.
Thiết lập mối quan hệ chi trả dịch vụ môi trường rừng
Có thể nói, Dự án đã thiết lập được mối quan hệ chi trả dịch vụ môi trường rừng là doanh nghiệp thủy sản trả tiền cho hộ dân giữ rừng nuôi tôm và hộ dân phải bán tôm cho doanh nghiệp thủy sản. Tức là xây dựng được mối liên kết ba thành phần: Doanh nghiệp thủy sản - Tổ chức chủ rừng (các ban quản lý rừng) - Hộ dân cùng chia sẻ lợi ích kinh tế và trách nhiệm.
Thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên cho thấy, tổng số hộ dân thực hiện thí điểm là 542 hộ với tổng diện tích rừng là 1.157 ha. Trong 3 năm 2016-2018, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân là 1.752.975.000 đồng (tương đương 76.292 USD).
Sơ đồ mối quan hệ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo MAM2 |
Còn tại Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, tổng số hộ dân thực hiện thí điểm là 458 hộ tổng diện tích rừng thí điểm 1.661 ha. Kết quả trong 3 năm 2016-2018 chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân tổng số tiền 1.783.000.000 đồng (tương đương 77.521 USD).
Nhờ đó, ở cả hai nơi, rừng ngập mặn được bảo vệ tốt, tôm sinh thái bán có giá cao đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp thủy sản.
TS Thành cho rằng, MAM2 đã có những đóng góp thiết thực khi xác định được đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp liên kết với hộ dân nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xác định được mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng 1% tổng doanh thu của doanh nghiệp thủy sản. Việc xác định cụ thể ở đây là trong điều kiện tỉnh Cà Mau. Cuối cùng là hình thức chi trả trực tiếp.
“Dự án MAM2 đã có đóng góp quan trọng trong xây dựng chính sách của nước ta. Cụ thể là năm 2017, Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng Luật Lâm nghiệp để trình Quốc hội và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp để trình Chính phủ.
Khi đó, Dự án MAM2 đã đóng góp kinh nghiệm từ tỉnh Cà Mau cho quá trình dự thảo văn bản Luật Lâm nghiệp và Nghị định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS Thành đánh giá.