Chung tay vì một Thủ đô xanh - sạch - đẹp

Môi trường - Ngày đăng : 21:22, 28/01/2020

(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề nhức nhối bởi ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống con người. Nhận thức được điều này, thời gian qua cấp, các ngành, cùng 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tích cực xây dựng nhiều mô hình, kêu gọi sự chung tay của người dân, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) Thủ đô ngày một xanh, sạch, đẹp hơn.

Cùng chung tay vì một Thủ đô xanh - sạch - đẹp

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Hoàn Kiếm là quận trung tâm chính trị - hành chính, thương mại – dịch vụ của Hà Nội. Nói về dân số quận có khoảng 140.000 người, cùng một lượng lớn du khách trong và ngoài nước, KT3, KT4 đến. Điều này, gây áp lực không nhỏ đến vấn đề môi trường, cơ sở hạ tầng. Những vấn đề môi trường chủ yếu phát sinh từ các nguồn như: Phương tiện giao thông, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở công nghiệp và từ hoạt động sinh hoạt của người dân và du khách. Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng sấp xỉ 10% ( Năm 2017: 215 tần/ngày; năm 2018: 225 tấn/ ngày; năm 2019: 230 tấn/ngày).

Xác định công tác BVMT là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch và kế hoạch phát triển quận. Trong năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các Hội nghị triển khai và tập huấn công tác quản lý nhà nước về BVMT, kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, tới các cán bộ phòng, ban ngành của quận; Lớp tập huấn các quy định của pháp luật BVMT cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, dự án đầu tư đầu tư xây dựng…

Bên cạnh đó, nhận thức việc đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quận đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phổ biến, quán triệt và tuyên truyền thực hiện các văn bản của Trung ương, Thành phố. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị về BVMT. Trong đó, UBND quận đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác BVMT tới 200 tuyên truyền viên là cán bộ cơ sở thuộc 18 phường với chủ đề: “Quản lý rác thải tại nguồn”, “Xua tan khói than bình an lá phổi”... 

Giới thiệu về bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong, góp phần BVMT tại phường Hàng Trống

Tổ chức tuyên truyền về BVMT và tiết kiệm năng lượng, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… đến các học sinh đang theo học tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn vào các tiết chào cờ sáng thứ hai hàng tuần. Các buổi tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức về BVMT qua những hành động nhỏ, thiết thực và cụ thể tích cực tham gia nhặt rác, quét dọn vệ sinh xung quanh nơi ở, trường, lớp học, bỏ rác đúng nơi quy định, giảm sử dụng rác thải nhựa khó phân hủy trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, hoặc chăm sóc cây xanh cho môi trường xanh, sạch, đẹp. … Qua đó, chương trình đã gửi đến cán bộ, giáo viên học sinh thông điệp hãy chung tay BVMT sống, cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Trong năm qua, UBND quận phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)  tổ chức lễ mít tinh Ngày Trái Đất năm 2019 với chủ đề  “ Vì một Thế giới không rác thải”; Phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức Lễ mít tinh và các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường Thế Giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2019 với chủ đề “Đi tìm bầu trời xanh, ngập tràn không khí sạch” tại khu vực trước Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm. Tại Lễ mít tinh còn tổ chức các gian hàng trưng bày các sáng kiến xanh, doanh nghiệp xanh, gian thu gom chất thải điện tử, chất thải nhựa, ni-lông; trưng bày các sản phẩm tiêu dùng bền vững và thân thiện với môi trường thu hút được sự quan tâm của nhân dân quận Hoàn Kiếm nói riêng, nhân dân trên địa bàn Thành phố và khách du lịch nói chung. 

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 22/11/2019 về việc loại bỏ toàn bộ việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và môi trường tuyên truyền mục tiêu, lộ trình của việc thực hiện thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn; phổ biến tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe con người; Giải pháp thực hiện...tuyên truyền tới 302 hộ dân đang sử dụng bếp than của 4 phường: Hàng Mã, Cửa Đông, Cửa Nam và Hàng Bồ...

Buổi làm việc trao đổi, chia sẻ về công tác BVMT giữa quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với quận Lichtenberg, Thủ đô Berlin (Đức).

Nhiều kết quả tích cực

Về rác thải UBND quận đã thực hiện công tác duy trì dịch vụ công ích VSMT trên địa bàn. Cụ thể triển khai thực hiện gói thầu dịch vụ công ích VSMT giai đoạn 2017-2020. Đồng thời giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận thực hiện ký Hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. 

Chỉ đạo Chi nhánh Môi trường đô thị Hoàn Kiếm tăng cường thực hiện công tác duy trì VSMT theo Phương án 211/PA-UBND về đảm bảo TTĐT, TTATGT, VSMT trên địa bàn quận, lập phương án thu gom rác thải đối với từng phường, đảm bảo tốt công tác duy trì VSMT địa bàn, đặc biệt công tác phục vụ không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các lễ hội văn hoá, thể thao, các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn. Đảm bảo sạch, đẹp 32 tuyến phố văn minh, 12 tuyến đường xuyên tâm, 5 khu vực vui chơi, giải trí…. Tổng khối lượng thu gom, vận chuyển rác thải năm 2019 là: 84.843 tấn (trung bình: 230 tấn/ngày).

UBND quận được lựa chọn là đơn vị thí điểm triển khai mô hình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến thân thiện với môi trường; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, để người dân thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong tự nguyện chuyển sang các loại bếp thân thiện với môi trường.

Tuyên truyền BVMT tại trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới năm 2019 tổ chức tại Trung tâm văn hóa thể thao Hồ Gươm, UBND quận đã phối hợp với Trung tâm sống học tập vì môi trường và cộng đồng đổi 90 bếp than tổ ong sang bếp ga cho các hộ khó khăn trên địa bàn một số phường, số bếp than thu được chuyển đến các trường mầm non để cô trò vẽ thành các chậu cây xinh xắn. Đặc biệt, tính đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm được 2010/2525 bếp ( còn 515 bếp), đạt tỷ lệ: 79,6%.

Đối với phong trào hạn chế rác thải nhựa, thực hiện chỉ đạo tại thư ngỏ số 161/LĐCP ngày 25/4/2019 và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại "Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 9/6/2019 tại Hồ Hoàn Kiếm. Ngày 26/8/2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành văn bản số 1426/UBND-TNMT về việc Triển khai chương trình “Hạn chế sử dụng túi nilong và chai nhựa, giảm chất thải nhựa”.

Đến nay tại trụ sở các phòng, ban ngành của quận, UBND 18 phường, các tổ chức chính trị, xã hội, các trường học, một số các cơ sở dịch vụ, kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã thực hiện: Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml-500 ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa sử dụng được nhiều lần và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

Lãnh đạo Sở TNMT Hà Nội và Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm trao kỷ niệm chương cho các đơn vị, tổ chức có đóng góp về công tác BVMT tại buổi miết tình nhân Ngày môi trường Thế giới

Thực hiện kế hoạch phối hợp số 8299/KH-STNMT-UBND ngày 06/9/2019 giữa Sở Tài nguyên Môi trường và UBND quận Hoàn Kiếm về việc tổ chức thí điểm chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Bắt đầu từ 1/10/2019, đã thực hiện thu gom tại 54 trường tiểu học và mầm non với số lượng vỏ hộp sữa thu gom mỗi tháng khoảng 3 tấn chuyển đi để tái chế thành giấy, thành vật liệu xây dựng…

Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng tham gia của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ từng bước được cải thiện, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu mà Trung ương, thành phố và quận đã đề ra.

 

Huy An