GS.TS. Đặng Kim Chi - Nhân tài đất Việt lĩnh vực môi trường: “Tôi vẫn luôn trăn trở về môi trường làng nghề”
Môi trường - Ngày đăng : 22:40, 23/01/2020
Đau đáu với khoa học môi trường
PV: Sau khi đất nước thống nhất, cũng giống như nhiều thanh niên được Nhà nước tuyển chọn, cử đi học ở nước ngoài, hình như ngành kỹ thuật môi trường đã chọn bà? Ở thời điểm cuối những năm 1970, khi mà vấn đề cơm áo gạo tiền còn rất bức xúc, bà có nghĩ học về môi trường có vẻ viển vông không?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Khi đó nghe về ngành kỹ thuật môi trường, tôi thấy lạ. Xã hội hầu như chưa ai nói tới vấn đề ô nhiễm môi trường. Tôi vốn theo đuổi ngành hóa học, gắn bó với phòng thí nghiệm, các hợp chất vô cơ, các nhà máy hóa chất… Năm 1976, với mong muốn có được cán bộ làm nền tảng cho việc đào tạo ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường sau này ở Việt Nam lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ban chủ nhiệm khoa Hóa đã trao nhiệm vụ này cho chúng tôi. Năm 1978, tôi được cử sang học nghiên cứu sinh tại Đức, một trong các quốc gia đi tiên phong về bảo vệ môi trường. Năm 1982, tôi về nước sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài về công nghệ bảo vệ môi trường.
GS.TS. Đặng Kim Chi nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 |
PV: Khi trở về trường với một chuyên môn mới mẻ, bà có được làm đúng chuyên môn mình được đào tạo không?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Có chứ. Tôi thực hiện song song hai việc: giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ môi trường. Đó cũng là hai công việc xuyên suốt hơn 40 năm qua.
Sau một thời gian về nước, chúng tôi tập hợp được một nhóm gồm 6 giảng viên dạy môn “Kỹ thuật bảo vệ môi trường đại cương” cho một số khoa công nghệ chuyên ngành trong trường . Năm 1988, bộ môn Công nghệ môi trường hình thành tại khoa Kĩ thuật hóa học. Năm 1994, trường Đại học Bách khoa cho thành lập Trung tâm khoa học và Công nghệ môi trường. Từ đây, ngành Công nghệ môi trường bắt đầu khẳng định chỗ đứng. Năm 1998, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) ra đời và liên tục phát triển từ đó tới nay
PV: Đây có lẽ là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu của bà?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Có thể xem như vậy. Khi Viện Khoa học và Công nghệ môi trường ra đời, việc đầu tiên chúng tôi thực hiện là xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư Công nghệ môi trường, đặt nền móng cho việc hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tiếp đó, Viện thực hiện đạo tạo thạc sĩ rồi tiến sĩ về công nghệ bảo vệ môi trường. Cùng từ nguồn lực từ Viện, chúng tôi thực hiện nhiều hướng nghiên cứu khoa học thiết thực, trong đó có các đề tài nghiên cứu quan trọng về môi trường làng nghề.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovaleskia 2008 cho GS.TS. Đặng Kim Chi |
PV: Là một trong những người đặt nền móng cho đào tạo ngành công nghệ môi trường, bà có nhận xét gì về sự phát triển của ngành công nghệ môi trường Việt Nam?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Trong hơn 4 thập kỷ qua, vấn đề môi trường đã có sự phát triển rõ nét. Đến nay, chúng ta có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ môi trường do liên tục được đào tạo trong mấy chục năm qua. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các tầng lớp nên lên rõ rệt, người dân ý thức phải sống theo pháp luật, tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT - cơ quan quản lý chuyên trách về bảo vệ môi trường ra đời đã xây dựng được hệ thống chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường một cách chính quy.
PV: Vậy theo bà, tương lai ngành khoa học công nghệ môi trường sẽ ra sao?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Tôi cho rằng sẽ được quan tâm, thu hút hơn. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. 40 năm trước đã ai nói về môi trường mà hiện nay, ngày nào thông tin trên báo đài cũng nhắc nhở chúng ta điều này. Bảo vệ môi trường trở thành 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững.
PV: Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2005, Giải thưởng Kovaleskaia 2008 và mới đây là Nhân tài đất Việt 2019 đã đánh giá nỗ lực trong suốt cuộc đời làm khoa học của bà. Nhìn lại nửa thập kỷ gắn bó với nghiên cứu, bà thấy tâm đắc nhất điều gì?
GS. TS. Đặng Kim Chi:
- Hồi nhỏ, cha tôi thường nói: “Việc học là suốt cả cuộc đời, hãy luôn cố gắng, con gái nhé”, tôi chưa hiểu lắm. Nhưng sau này, càng dấn thân vào con đường nghiên cứu, giảng dạy, tôi càng thấm thía. Kiến thức trong cuộc đời này vô cùng, càng cố học chúng tôi càng cảm thấy vui vì hiểu biết nhiều hơn và cuộc sống có ích hơn.
Ứng xử với môi trường làng nghề phải thiên về duy tình
PV: Vì sao bà chọn bảo vệ môi trường làng nghề là đối tượng nghiên cứu suốt hai thập kỷ qua?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Cơ duyên đến với môi trường làng nghề là vào năm 1998, tôi được một chuyên gia Mỹ mời tham gia nghiên cứu vấn đề môi trường tại cơ sở sản xuất thủ công quy mô nhỏ và rất nhỏ ở Việt Nam. Để tìm các cơ sở sản xuất này chỉ tìm đến các làng nghề. Sau này đi sâu tìm hiểu và cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước KC.08-09: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam” tôi thấy, môi trường làng nghề có rất nhiều điều thú vị và khác biệt.
GS.TS. Đặng Kim Chi trong những chuyến đi thực địa |
PV: Đó là gì, thưa bà?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Làng nghề tuy hình thành và phát triển ở vùng nông thôn nhưng ô nhiễm lại không giống ô nhiễm môi trường nông nghiệp (ô nhiễm do hoạt động trồng trọt hoặc chăn nuôi…). Làng nghề sản xuất sản phẩm tiểu thủ công phi nông nghiệp song ô nhiễm lại không giống ô nhiễm môi trường công nghiệp (ô nhiễm môi trường tại làng nghề là tập hợp từ nhiều nguồn điểm nhỏ phát sinh chát thải, xen kẽ trong các hộ gia đình, khu dân cư , không phải ô nhiễm từ các nguồn thải lớn từ cục bộ trong khuôn viên nhà máy). Để nhận dạng môi trường làng nghề phải xác định các đặc thù của làng nghề.
PV: Bà xác định các đặc thù này như thế nào?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Để nghiên cứu làng nghề, chúng tôi tự xác định một số tiêu chí. Làng nghề nằm tại vùng nông thôn, sản xuất sản phẩm phi nông nghiệp, tận dụng lao động lúc nông nhàn kết hợp với một số lao động có kinh nghiệm. Điều đặc biệt của làng nghề là cơ sở sản xuất nằm ngay trong hộ gia đình. Quan hệ sản xuất chủ yếu theo quan hệ dòng tộc, làng xóm. Bởi thế khi xảy ra ô nhiễm sẽ gây tác động trực tiếp trước hết đến người dân, ở mọi lứa tuổi sống gần ngay tại nguồn. Khác với ô nhiễm công nghiệp là tập trung ở một khu vực nhà máy và chỉ công nhân ở tuổi lao động bị ảnh hưởng đầu tiên.
PV: Để hạn chế ô nhiễm tại chỗ đã có giải pháp di dời làng nghề ra một khu vực xa khu dân cư?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Đây không phải là giải pháp tối ưu cho mọi làng nghề. Có rất nhiều vấn đề xảy ra khi chúng ta di dời làng nghề ra cụm công nghiệp. Tôi đã chứng kiến ở một số làng nghề, người dân rất hào hứng di dời. Ban đầu ông chủ và mấy đứa cháu ra mở xưởng. Hàng ngày bà vợ mang cơm ra, sau bà để cái nồi cơm điện ở xưởng cho tiện, rồi ở lại phục vụ hậu cần. Khi sản phẩm cần phải đóng gói lại cần đến bà mẹ già hay những đứa con ra phụ việc. Họ mang theo cái tivi xem lúc rảnh rỗi rồi ngủ lại. Cuối cùng cả gia đình di dời ra đấy. Thành ra vấn đề giải quyết ô nhiễm không được thực hiện mà cụm công nghiệp lại trở thành cụm giãn dân.
Tuy nhiên, cũng có làng nghề đáp ứng tốt với việc di dời ra cụm công nghiệp. Khi đó làng nghề được chuyển hóa mang tính chất xí nghiệp công nghiệp nhiều hơn.
PV: Làng nghề nào vậy, thưa bà?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Tôi ví dụ làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh). Làng nghề giấy giờ đây không còn là làng nghề của các hộ gia đình, do các thành viên trong gia đình thực hiện mà đã trở thành các xí nghiệp nhỏ, với trình độ cơ giới hóa, thuê công nhân ở nhiều tỉnh thành, có quy mô sản xuất công nghiệp. Nhiều chủ cơ sở không ở trong các xí nghiệp đó mà ban ngày họ làm việc, tối họ về Bắc Ninh hay Hà Nội sinh sống. Khi đó, các làng nghề này nảy sinh vấn đề môi trường khác, tựa như vấn đề ô nhiễm công nghiệp. Đó là việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm tập trung, đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung; thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường…
|
PV: Hiện nay nhiều làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng đó là sinh kế của cả làng. Vậy theo bà, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Ở vùng nông thôn, các làng có nghề rõ ràng thu nhập tốt hơn các làng thuần nông. Bởi vậy, việc duy trì các làng nghề là cần thiết, là nhu cầu của bà con, là nét đẹp riêng của nông thôn Việt Nam. Tuy vậy, cũng cần hạn chế, không khuyến khích các loại hình làng nghề có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, ví dụ như các làng nghề tái chế phế liệu, chất thải. Mặt khác, vấn đề môi trường cần xử lý rất linh hoạt. Xét về các biện pháp kỹ thuật, chính sách, việc xử lý môi trường làng nghề không căn cứ vào quy mô làng nghề, làng nghề truyền thống hay mới hình thành mà cần dựa vào loại hình sản xuất để có cơ sở đưa các loại hình công nghệ và kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm hiệu quả và khả thi. Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống chính sách, đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho môi trường làng nghề đã được đầu tư khá nhiều. Tuy vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn nhức nhối là bởi chủ thể của các làng nghề chưa thực sự thay đổi về nhận thức. Bên cạnh việc xây dựng chính sách, hướng dẫn giải pháp, có lẽ vấn đề này phải do chính người dân làng nghề giải quyết.
PV: Vì sao vậy, thưa bà?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
- Làng nghề nằm trong thực thể làng xã, với quan hệ sản xuất mang tính chất họ hàng dòng tộc, làng xóm rất chặt chẽ, thiên về duy tình. Ít khi họ hàng, làng xóm tố cáo nhau về việc ô nhiễm hay quan hệ giữa cán bộ chính quyền địa phương và chủ cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm lại là quan hệ họ hàng, dòng tộc. Phải ứng xử với làng nghề như với mô hình làng xã của Việt Nam. Nếu “tây hóa”, đô thị hóa thì không ổn. Khi các biện pháp hành chính, cưỡng chế ít có hiệu quả cần tìm các giải pháp khác. Đôi khi “phép vua thua lệ làng”. Nhiều địa phương đã thành công trong việc lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường vào hương ước, vào hoạt động tuyên truyền của các hội đoàn thể hay tổ chức tôn giáo.
Năm 2019, GS.TS. Đặng Kim Chi vừa được trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực môi trường với công trình nghiên cứu “Môi trường các làng nghề Việt Nam”. Công trình gồm Bộ sách chuyên khảo “Làng nghề Việt Nam và Môi trường” (3 tập) và 7 bộ tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường cho 7 loại hình làng nghề (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt nhuộm, sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại); 7 mô hình công trình xử lý chất thải cho cơ sở sản xuất tại một số loại hình làng nghề.
PV: Một mùa xuân mới đang về, bà có lời chúc gì cho môi trường Việt Nam?
GS.TS. Đặng Kim Chi:
Tôi có một lời cầu mong cho môi trường Việt Nam ngày càng tốt đẹp, càng trong sạch, ít thảm họa, sự cố. Để điều đó thành hiện thực, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của toàn dân, của mỗi người.
PV: Xin trân trọng cảm ơn và chúc bà đón một mùa xuân mới nhiều an vui, hạnh phúc!