Về Đông Hồ xem tranh “Đám cưới chuột”
Văn hóa - Ngày đăng : 09:11, 21/01/2020
Thịnh suy một làng nghề
Về làng Đông Hồ những ngày giáp Tết, khách phương xa hẳn sẽ mong chờ được tham dự những phiên chợ tranh họp thường kỳ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp. Nhưng từ lâu, nơi đây chẳng còn những phiên chợ như thế. Ngôi làng với những căn nhà lô nhô, mới cũ xen lẫn nhau chỉ tấp nập trong cái guồng quay của cuộc sống phố phường, nhộn nhịp có nhưng không còn thân thuộc nữa.
Đi vòng khắp làng, phải rất tinh mắt lãng khách mới nhìn ra được những xưởng tranh ít ỏi, nằm khép mình bên cạnh những ngôi nhà khang trang, đầy màu phố thị. Không còn tiếng chày giã giấy, không còn thoang thoảng mùi tranh mới phơi, không còn tiếng nhí nháu của khách xem tranh… tất cả đều vội vã với trăm nghìn mối lo toan khác nhau.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đang hoàn thiện bức tranh Đám cưới chuột |
Vừa dẫn tôi đi thăm xưởng tranh, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vừa tâm sự: “Trước kia, làng Đông Hồ có mười mấy dòng họ làm tranh. Cứ vào mùa này, cả làng vang tiếng chày giã giấy, đường làng lúc nào cũng ken đặc người phơi tranh, màu sắc sáng rực cả làng. Vào những phiên chợ, người mua người bán tấp nập, nhộn nhịp như trẩy hội. Giờ cả làng chỉ còn khoảng 2 - 3 nhà làm tranh nhưng phải cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường với vô vàn tranh ảnh phong phú về mẫu mã, in ấn công nghệ cao”.
Có lẽ, phần nhiều những người về Đông Hồ hôm nay mua tranh là những người “ăn mày dĩ vãng” hoặc những du khách nước ngoài muốn thưởng thức một nét văn hóa của người Kinh Bắc xưa. Giờ đây, những người biết làm nghề và sống được với tranh chỉ đếm trên đầu ngón tay khi cơ chế thị trường len lỏi vào từng nét vẽ, điểm màu.
Chia sẻ về những khó khăn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nói: “Giờ người ta bị thu hút bởi nhiều thứ quá, không như trước. Làng Đông Hồ xưa chủ yếu làm tranh, làm đồ mã chỉ là phụ. Nhưng giờ làm mã mới là nghề chính của làng, đem lại thu nhập cao, ổn định. Trong khi các hộ làm tranh thì lay lắt mãi. Nhưng chuyện thịnh suy của một làng nghề vốn là lẽ thường tình. Tôi vẫn luôn tin rằng, những giá trị của tranh Đông Hồ sẽ còn mãi vì nó đã trở thành nguồn cội, hòa vào dòng chảy chung của mạch ngầm văn hóa dân tộc. Rồi một ngày, tranh Đông Hồ sẽ lấy lại được ánh hào quang mà nó từng có”.
Nghệ nhân thao tác bản khắc tranh |
Trong tâm khảm những người sống chết vì tranh tại làng Đông Hồ hiện nay, thời hoàng kim đã trở thành ký ức qua những chuyện kể, những hồi ức của các nghệ nhân già. Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (nghệ nhân nữ làng nghề đầu tiên của Bắc Ninh) trải lòng: “Tôi nghe các cụ kể lại, khi xưa, người buôn bán tranh tấp nập trên bến dưới thuyền. Tết đến, nhà nào cũng nhất định phải mua bằng được ít nhất một bức tranh Đông Hồ về treo cho nhà cửa thêm màu sắc và không khí Tết. Giờ đây, dù chúng tôi đã nỗ lực đưa tranh trở lại đời sống đương đại nhưng quả thực vẫn còn vô vàn khó khăn. Hiện, không nhiều người dám theo nghề vì vừa vất vả, vừa không ra kinh tế. Nghề làm tranh truyền thống vì thế cứ mai một dần”.
Đám cưới chuột - một bức tranh đa tầng nghĩa
Dù trải qua những thăng trầm, biến chuyển của thời cuộc, dòng tranh Đông Hồ nói chung và bức tranh “Đám cưới chuột” nói riêng cho tới nay vẫn luôn là một trong những giá trị văn hóa được người đời gìn giữ và ưa chuộng. Đằng sau những nét vẽ mộc mạc, một bức tranh không lời chú thích nhưng người xem lại có thể trải nghiệm và suy ngẫm ra biết bao ẩn ý sâu xa, mang đậm hơi thở của đời sống đương đại.
Chia sẻ về ý nghĩa bức tranh “Đám cưới chuột”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Câu chuyện mà bức tranh truyền tải chưa bao giờ là cũ, thậm chí, vẫn nóng hổi tính thời sự trong bối cảnh hiện nay. Bức tranh không có chú thích nhưng nhìn vào ai cũng nhận thấy thâm ý của nghệ nhân xưa. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi mặc dù luôn cảnh giác với loài mèo nhưng sẵn sàng làm tất cả để mua chuộc mèo. Trong khi mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ của mình là diệt chuột. Bức tranh là lời đả kích sâu cay những tham quan, vì đồng tiền mà đổi trắng thay đen cũng như châm biếm những con “chuột” đang ngày đêm đục khoét, hại dân hại nước. Một bức tranh còn nguyên tính thời sự”.
Bản khắc bức tranh Đám cưới chuột tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vừa cẩn thận tô lại những mảng màu ở bức tranh “Đám cưới chuột” vừa kể: “Bức tranh như một tấm gương đa chiều và đa sắc màu. Đối chiếu với các sự kiện xưa và nay vào đó, chúng ta đều thấy nó luôn mới. Bố cục của bức tranh chia làm hai tầng. Tầng trên miêu tả 4 con chuột mang đồ lễ đi đút lót cho quan mèo. Con đi đầu hai tay dâng lên một con chim, cong người, đuôi gập lại trông vẻ sợ sệt. Con thứ hai xách một con cá đang tiến theo sau, mắt nhìn con mèo vẻ khép nép sợ sệt. Hai còn cuối thì thổi kèn để tiền hô hậu ủng. Quan mèo thì nghênh ngang, oai vệ, mặt nghiêm nghị tỏ vẻ như khó chịu, xong tay vẫn chìa ra để nhận hối lộ. Ý nghĩa ở tầng tranh thứ nhất rất thú vị, mang tính châm biếm rất rõ ràng”.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, tầng tranh thứ hai miêu tả về một đám cưới chuột rực rỡ sắc màu với những nét tươi vui. Qua các hình ảnh tượng hình, tượng thanh như ô, lọng, khèn, đoàn rước râu kéo dài … bức tranh “Đám cưới chuột” khiến người ta nhớ lại những ngày tháng giản dị, khi đám cưới không chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình, mà nó còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội thu nhỏ.
Hoàn thiện hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn đã tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
“Nhìn tổng thể bức tranh, đây là một tác phẩm đa tầng nghĩa mà một trong số đó, theo tôi là ý nghĩa cộng sinh cùng nhau phát triển. Hình ảnh chuột mang lễ vật đến dâng tặng cho mèo muốn hướng tới nội dung, tôi muốn tồn tại thì anh cũng cần phải tồn tại và tôi hạnh phúc thì anh cũng phải được hưởng niềm vui ấy. Đây như một bản thỏa thuận ngầm về sự sinh sôi giữa hai mặt đối lập mà ở đó đích đến cuối cùng của nó đều là sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển” - nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh phân tích.