Huế: 3 cây đa khủng vẫn “án binh bất động”, dân bức xúc

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:40, 13/01/2020

(TN&MT) - Đến nay đã gần 2 năm, 3 cây đa khủng vi vu trên QL1A bị CSGT phát hiện và xử phạt vẫn nằm “án binh bất động” tại Huế. Hiện chưa rõ số phận của các cây sẽ ra sao khi mà cơ quan chức năng dường như bất lực trong việc xử lý, doanh nghiệp thì không di chuyển cây trong khi các cây vẫn phát triển.

Tháng 3/2018, trong quá trình làm nhiệm vụ tại Km 860 tuyến QL1A đoạn qua xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trạm CSGT Phú Lộc phát hiện 3 xe tải lớn chở 3 cây lưu thông hướng Bắc - Nam có dấu hiệu vi phạm và cho dừng xe.

Kiểm tra các xe, CSGT xác định xe tải BKS: 73C - 028.80 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (trú ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) điều khiển vi phạm chở cây vượt quá chiều dài hơn 10%, quá tải cầu đường từ 20 - 50%; xe đầu kéo 73C - 02148 kéo theo rờ-moóc 73R - 00382, do tài xế Trần Sỹ Đồng (trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lỗi vượt quá chiều dài, quá chiều cao hàng hóa; và xe đầu kéo 73C - 04605 kéo rờ-moóc 73R - 00201 vi phạm 3 lỗi quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20  -50%.

Hình ảnh các cây đa bị bắt giữ hồi tháng 3/2018. Ảnh: Văn Dinh

Các tài xế khai nhận với cơ quan chức năng là chở cây cho Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Với các hành vi sai phạm, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế quyết định xử phạt 3 xe với số tiền 81,7 triệu đồng, đồng thời tước bằng lái của các tài xế vi phạm. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế lập biên bản tạm giữ 3 cây khủng để xác minh làm rõ.

Sau nhiều ngày xác minh, 2 trong số 3 cây khủng bị tạm giữ đã được Kiểm lâm Thừa Thiên Huế sớm trả lại cho chủ cây vì có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, cây đa sộp được chở trên xe biển số 73C - 02148 và rờ-moóc BKS 73R-00382 được xác nhận có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của chủ cây là ông Phạm Đình Thướng (ngụ thôn 3, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk). Cây đa sộp được chở trên xe BKS 73C - 04605 và rờ-moóc BKS73R - 00201, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của chủ cây là ông Y Nô Byă (ngụ buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Còn cây khủng còn lại do chủ cây cung cấp địa điểm khai thác không đúng với thực tế nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 750.000 đồng rồi mới trả...

Cơ quan chức năng yêu cầu chủ các phương tiện phải hạ tải cây chở trên xe, hạ chiều cao, giảm chiều dài mới cho phép lưu hành; nếu không phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Thế nhưng cả 3 cây cổ thụ đã được các tài xế bỏ lại tại một bãi đất trống ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy từ đó cho đến nay đã gần 2 năm.

3 cây đa khủng hiện tại xanh tốt, chủ cây không di chuyển khiến người dân sống cạnh bên bất bình. Ảnh: Văn Dinh

Theo ghi nhận của PV những ngày đầu năm 2020 này, các cây đa được trồng tạm vẫn sống bình thường dưới thời tiết nắng mưa bất thường. Cả 3 cây trồng sát nhau thành một hàng để tiết kiệm diện tích đất, nằm ngay cạnh nhà dân. Các cọc đỡ được chêm sát gốc cho cây vững chắc và dùng dây chằn buộc xung quanh. Hiện các cây rất xum xuê, xanh tươi tỏa ra ở khắp thân và trên ngọn. Tuy nhiên, hiện 1 trong 3 cây đã chết dần từ ngọn, một đoạn thân dài to lớn từ trên cao trở xuống gốc đã khô tróc da vỏ.

Lúc mới trồng, chủ cây đã nhờ bà Đặng Thị Lan (61 tuổi, ngụ tổ 5, phường Thủy Châu) trông coi và tưới nước, trả tiền công cho bà này. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc 3 cây đa cứ “án binh bất động” khiến bà Lan tỏ ra bức xúc.

Bà Lan cho hay, hồi tháng 6 năm ngoái, lẽ ra con cái của bà đã cất nhà lên khoảnh đất hiện là nơi 3 cây quái thú đang được trồng, nhưng kế hoạch đó bị đổ vỡ hoàn toàn vì chủ cây không quay lại nhận và di chuyển 3 cây đa đi nơi khác.

“Tôi rất ân hận vì lỡ cho mượn tạm đất trồng cây ngay sát nhà. Bây chừ các cây to đùng, khi mưa gió chúng ngã đổ, đè sập nhà tôi hay tính mạng thì chết, chúng tôi lo sợ lắm. Tôi đã liên lạc với ông Kiều Văn Chương là chủ cây nhưng không được, tiền công lâu lắm rồi họ cũng chưa trả cho tôi...”, bà Lan nói.

Các cây cạnh nhà bà Lan, nguy hiểm thường trực. Ảnh: Văn Dinh

Liên quan đến sự việc, UBND thị xã Hương Thủy thông tin rằng, 3 cây đa thuộc sở hữu cá nhân. Trong trường hợp chủ cây không vận chuyển, không lấy lại 3 cây đa, thị xã không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết tài sản. Do đó, UBND thị xã Hương Thủy đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc này theo quy định pháp luật.

Lãnh đạo UBND phường Thủy Châu cũng cho hay chưa rõ khi nào 3 cây đa mới vận chuyển đi nhưng từ khi trồng tạm trên địa bàn phường thì đến nay chủ sở hữu cũng không có cam kết hay liên lạc với chính quyền phường...

Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết, việc 3 cây đa cổ thụ trồng tạm ở phường Thủy Châu là cây không thuộc đối tượng sinh vật ngoại lai cấm trồng tại vùng này.

“Chỉ có quy định pháp luật cấm nuôi trồng các cây và con không có nguồn gốc phân bố tại chỗ tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia. Tức là trong các hệ sinh thái rừng đặc dụng thì không được trồng các cây, con ngoại lai”, ông Tuấn lý giải.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Văn Dinh