Bà Rịa – Vũng Tàu: Đẩy mạnh di dời cơ sở nuôi trồng thủy sản vào vùng quy hoạch

Xã hội - Ngày đăng : 17:07, 31/12/2019

(TN&MT) - Mặc dù tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện bàn giao cắm mốc tọa độ các tiểu khu; bản đồ quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản cho các địa phương. Tuy nhiên, do số lượng lồng bè tăng lên nhanh dẫn đến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn, phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

 Mật độ nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và chưa đảm bảo quy hoạch

“Vỡ” quy hoạch nuôi trồng thủy sản

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, việc nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, sông Dinh, sông Mỏ Nhát và sông Cửa Lấp thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cung cấp nguồn thủy sản không nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, giải quyết được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do số lượng lồng bè tăng lên nhanh dẫn đến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy…

Cụ  thể, theo kết quả giám sát của cơ quan chức năng cho thấy, tại một số vùng quy hoạch, một số đối tượng tự ý thả vật nổi để chiếm mặt nước; tại khu vực sông Dinh hiện có một số lồng bè đang chiếm khu vực neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền; tại khu vực sông Mỏ Nhát đang tồn tại 13 miệng đáy giữa sông, chiếm nhiều diện tích trong vùng quy hoạch và gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy…

Bên cạnh đó, do mật độ nuôi trồng chưa đảm bảo, trong khi đó một số máy móc phục vụ nuôi trồng thủy sản trong quá trình hoạt động đã làm rò rỉ dầu nhớt xuống sông; thức ăn dư thừa bám vào lồng, khuyết tán vào nguồn nước…

Để quản lý việc nuôi cá lồng bè và các nhuyễn thể trên hệ thống sông của tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định 39 ngày 11/1/2019 về phê duyệt, bổ sung bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản. Theo đó, UBND tỉnh đã bàn giao bản đồ và mốc tọa độ cho các địa phương để thực hiện quy hoạch và di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản vào vùng quy hoạch. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, công tác quản lý, điều hành vùng nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, kết quả mang lại chưa cao.

Hiện nay, trên các sông Chà Và, sông Dinh, sông Mỏ Nhát và sông Cửa Lấp hiện có 528 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, trong đó, có 298 cơ sở nằm trong vùng quy hoạch; 230 cơ sở nằm ngoài vùng quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng mới thực hiện kiểm tra được 98 cơ sở nằm trong vùng quy hoạch và đã cấp giấy giấy phép cho 45 cơ sở đủ điều kiện.

Cưỡng chế các cơ sở không tự giác di dời

Để quản lý việc nuôi cá lồng bè và các nhuyễn thể trên hệ thống sông của tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao cho các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn các lồng bè hoạt động tự phát; rà soát điều chỉnh lại quy chế quản lý về giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản; triển khai cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi lồng bè cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các vùng nước đã được quy hoạch; tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, an toàn lưu thông hàng hải…

Tiếp tục vận động và thông báo lộ trình di dời vào khu quy hoạch còn trống hoặc tự tháo dỡ lồng bè đối với 230 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè nằm ngoài vùng quy hoạch; tổ chức lập biên bản vi phạm đối với các cơ sở nuôi trồng trái phép, thông báo chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép. Trường hợp các cơ sở lồng bè nằm ngoài quy hoạch vẫn cố tình không chịu di dời và tự tháo dỡ thì UBND các địa phương sẽ tiến hành thực hiện các thủ tục cưỡng chế…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN&MT tổ chức khảo sát, đánh giá tác động môi trường toàn bộ khu vực quy hoạch cá lồng bè nhằm xác định sức chịu tải môi trường, xác định tổng thể giải pháp quản lý. Từ đó sẽ điều chỉnh quy mô phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế được nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác gây ra.

Giao các cơ quan chức năng thực hiện cắm mốc địa giới các tiểu khu nuôi trồng thủy sản lồng bè, trong đó có 17 phao chính trên sông Dinh, 45 phao tạm trên sông Chà Và, 13 phao tạm trên sống Mỏ Nhát; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đối với môi trường và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thành lập khoảng 12 tổ tự quản cộng đồng tại các khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè để giám sát, kịp thời phát hiện những sai phạm của các cơ sở...

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý các cơ sở nuôi trồng thủy sản lống bè trên địa bàn, xử lý triệt để tình trạng nuôi trái phép và không để phát sinh lồng bé mới ngay sau khi các địa phương hoàn thành công tác sắp xếp việc nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy hoạch.

Linh Nga