Bộ TN&MT đột phá về cơ chế chính sách tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững
Thời sự - Ngày đăng : 21:55, 30/12/2019
Phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2019 và bàn về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã bám sát phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy thu hút đầu tư xã hội tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2019 và bàn về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra một số thành tựu nhất định trong năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường, trong đó: Cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đạt 98%, trong thời gian vừa qua đưa được trên 43 nghìn ha đất vi phạm để lãng phí vào sử dụng; thu hồi trên 1.400 ha đất vi phạm.
Ngoài ra, việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, trong năm 2019 đã xử lý trên 13.000 dự án chậm triển khai; tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, quy hoạch để đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đưa nguồn thu từ đất chiếm 10 – 15% thu ngân sách nội địa; chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường vượt qua mức trung bình của Chính phủ đề ra đạt 82%.
Về vấn đề môi trường, theo đánh giá về chỉ số năng lực quản lý môi trường EPI, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 136 của năm 2014 lên 132 trong tổng số180 quốc gia trong năm 2018. (Chỉ số EPI: Environmental Performance Index là một phương pháp đánh giá và xếp hạng thứ tự hiệu quả môi trường trong các chính sách của một quốc gia. EPI được phát triển bởi Đại học Yale (Trung tâm Luật và Chính sách Môi trường Yale) và Đại học Columbia (Trung tâm Mạng Thông tin Khoa học Trái đất Quốc tế) cùng sự hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Liên Chung của Ủy ban châu Âu.)…
Có được những kết quả trên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà đó là có sự quyết tâm rất lớn của các ngành, địa phương và đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hướng tới hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm 2019.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và những thách thức cần phải vượt qua như: Một số điểm nghẽn, vướng mắc, xung đột trong các Luật dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương; Số vụ việc khiếu kiện về đất đai phải giải quyết có giảm nhưng chủ yếu là các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết, hồ sơ, giấy tờ tài liệu không đầy đủ; Tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên còn xảy ra ở nhiều nơi.
Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng, tỉ lệ được tái sử dụng, tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh giảm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh…
Đột phá về cơ chế chính sách tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững
Những vấn đề trên, trong thời gian tới cần vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ, do vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ và những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào trong chương trình hành động của Bộ trong thời gian tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai các khâu đột phá then chốt nhất là về thể chế, chính sách, pháp luật, khoa học công nghệ, hạ tầng dữ liệu gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy.
Trong đó, Bộ sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lựa chọn đưa ra các tiêu chí để lựa chọn các dự án công nghệ thân thiện với môi trường, loại bỏ các dự án về ô nhiễm, đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên. Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển.
Tập trung triển khai công tác lập quy hoạch đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn kết nối với quy hoạch để tạo sự liền mạch, phát huy tiềm năng thế mạnh về tài nguyên cho phát triển bền vững, mở cửa hội nhập, quản lý tốt không gian ngầm và chiều cao.
Tập trung chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin, cung cấp chia sẻ thông tin dữ liệu, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường cho người dân, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, từng bước giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính.
Xây dựng các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin về tài nguyên và môi trường, chia sẻ, kết nối liên thông từ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương; đảm bảo thuận lợi trong tiếp cận thông tin của người dân; tạo lập nền tảng thông tin, dữ liệu tiến tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; Chủ động hợp tác và hội nhập, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của ngành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ về vấn đề quản lý chất thải rắn hiện nay đang có nhiều bất cập, thách thức. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức “Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương để cùng nhau trao đổi, thảo luận về các kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn; kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng quản lý chất thải rắn hiện nay trên phạm vi cả nước; thống nhất nhận thức và hành động về các chủ trương, giải pháp trước mắt và lâu dài trong công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta trong thời gian tới.
Kết quả “về đích” có ý nghĩa quan trọng bởi năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và sự quyết tâm cao của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành các mục tiêu để góp phần vào công cuộc phát triển toàn diện của đất nước.