Thừa Thiên Huế: Công tác tái đàn lợn vẫn đảm bảo

Xã hội - Ngày đăng : 12:33, 27/12/2019

(TN&MT) - Tại Thừa Thiên Huế, trước tình hình phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, công tác tái đàn lợn vẫn đảm bảo.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hìện ở Thừa Thiên Huế từ ngày 16/3/2019 và tính đến nay, bệnh đã xảy ra ở 712 thôn, 125 xã thuộc 9/9 huyện, thị xã và TP. Huế. Có rất nhiều xã sau khi hết dịch lại tái phát.

Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 73.743 con, tổng trọng lượng lợn tỉêu hủy là hơn 4.459 tấn thịt hơi. Ước tính kinh phí hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn tiêu hủy là hơn 132,967 tỷ đồng.

Dịch tả lợn Châu Phi ở Huế vẫn đang xảy ra trên diện rộng

Theo cơ quan chức năng địa phương thì tính đến nay, tổng đàn lợn ở Huế có 137.830 con, số lượng đàn lợn giảm nhưng chất lượng đàn lợn tăng mạnh (đàn lợn nạc chiếm trên 94% tổng đàn). Đàn lợn nái vẫn giữ được khoảng 16.000 con, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lợn giống cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học trong tỉnh. Tổng đàn gia cầm có khoảng 3.985 nghìn con, tăng 31,4%; riêng đàn gà tăng 47,2%, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường, không làm biến động, xáo trộn đời sống của người dân trong dịp cuối năm và Tết Canh Tý sắp tới.

Do không có vắc xin phòng dịch, ngành nông nghiệp khuyến khích người chăn nuôi, nếu chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học thì chuyển sang nuôi gia cầm và các loại vật nuôi khác để bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm.

Công tác tài đàn lợn ở Thừa Thiên Huế vẫn đảm bảo

Liên quan đến tình hình đàn lợn trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế thông tin, công tác tái đàn vẫn đảm bảo, chất lượng chăn nuôi vẫn đảm bảo, hiện các doanh nghiệp, trang trại lớn đã tăng tổng đàn lên 15%, số lượng con giống vẫn đạt 160.000 con.

“Chi cục khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn mới tái đàn, còn lại không nên tái đàn. Cơ quan báo chí chú ý tuyên truyền khách quan, chính xác, không tạo tâm lý thiếu hàng, dẫn đến găm hàng, làm giá. Đồng thời tổ chức phối hợp, thực hiện các mô hình chăn nuôi hữu cơ, trang trại quy mô lớn, cách ly với môi trường xung quanh...”, ông Hưng nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở đã kịp thời có nhiều văn bản hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả Châu Phi. Hiện tại, Sở đã tiến hành khảo sát một số điểm chôn lấp tiêu hủy trên địa bàn các địa phương và xây dựng kế hoạch quan trắc các thành phần môi trường theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

“Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi càng tốt thì hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh càng cao. Chính quyền địa phương chủ động sử dụng kinh phí dự phòng, hỗ trợ ngay cho người chăn nuôi để người chăn nuôi chủ động tự nguyện khai báo dịch bệnh, không bán tháo, bán chạy lợn ốm. Thực hiện việc quan trắc, kiểm tra, giám sát các điểm, các khu vực chôn lấp tiêu hủy lợn bị bệnh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đăc biệt quan trắc, theo dõi chất lượng các thành phân môi trường tại các khu vực tiêu hủy lợn dịch số lượng lớn, các khu vực thấp trũng, nhạy cảm của tỉnh...”, ông Hùng thông tin.

Người dân có thể chuyển từ nuôi lợn sang nuôi bò, gia cầm...

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, từ thực tiễn xảy ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân thay đổi tập quán chăn nuôi thô sơ; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Bên cạnh đó, lãnh đạo chính quyền địa phương phải nắm chắc, theo dõi sát tình hình tái đàn lợn ở địa phương để tham mưu tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ cho người dân địa phương trong quá trình thực hiện.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu phải cơ cấu lại theo hướng chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Khuyến khích phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao năng suất và giá trị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, phục vụ hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

“Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tổ chức; phải làm sao để những chính sách, chủ trương của tỉnh đến được từng người dân, từng doanh nghiệp...”, ông Thọ nhấn mạnh.

Văn Dinh