Liên tiếp xảy ra phá rừng quy mô lớn vào đầu mùa khô

Tài nguyên - Ngày đăng : 13:50, 25/12/2019

(TN&MT) - Mặc dù, mới bước vào giai đoạn đầu mùa khô năm 2019-2020. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép đang diễn biến hết sức phức tạp ở một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Các đối tượng lâm tặc ngang nhiên đưa xe cẩu lớn vào rừng để vận chuyển gỗ ra tiêu thụ

Đáng chú ý, các đối tượng lâm tặc ngang nhiên “xẻ thịt” rồi vô tư vận chuyển hàng chục m3 gỗ các loại ở những khu vực được cho là quản lý, bảo vệ khá nghiêm ngặt như rừng đặc dụng Nam Kar, Vườn Quốc gia Yok Đôn và khu bảo tồn...

“Tan hoang” những cánh rừng già trăm tuổi

Đến hẹn lại lên, năm nào vào mùa khô tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cũng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Thời điểm này, các đối tượng lâm tặc thường lợi dụng thời tiết khô ráo để nhanh chóng vận chuyển gỗ đã cưa xẻ trước đó ra ngoài tiêu thụ. Ngoài ra, các đối tượng tranh thủ trong thời gian lực lượng chức năng chuẩn bị công tác kế hoạch cũng như sự chủ quan, lơ là của các đơn vị quản lý bảo vệ rừng để vào phá rừng.

Điển hình, vào cuối tháng 11/2019 lực lượng chức năng phát hiện hàng chục cây gỗ có tuổi thọ cả trăm năm bị đốn hạ nằm la liệt trong rừng đặc dụng Nam Kar, thuộc xã Bình Hoà, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Tất cả những cây bị cưa hạ trái phép thuộc trạng thái rừng gỗ tự nhiên, hiện trạng rừng thường xanh, giàu, chức năng rừng đặc dụng. 

Một trong hàng chục phách gỗ lớn được sắp xếp chuẩn bị di chuyển ra khỏi rừng đặc dụng ở Nam Kar

Qua quan sát, có hàng trăm lóng gỗ dạng hộp đã khai thác chưa kịp vận chuyển còn bỏ lại ở bìa rừng thuộc tiểu khu 1023, cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 8 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m. Dọc tuyến đường kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện một số gốc cây bị chặt hạ, trong đó: Có 13 lóng gỗ tròn; 22 hộp gỗ xẻ từ nhóm III đến nhóm VIII. Số gỗ bị khai thác thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 với tổng khối lượng là 41,267m3. 

Tiếp đến ngày 12-12, từ tin báo của người dân, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Công an huyện M’Đrắk đã phát hiện một nhóm đối tượng ngang nhiên phá rừng tự nhiên quy mô lớn tại tiểu khu 819A thuộc thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện M’Đrắk, vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa.

Tại hiện trường, nhiều cây gỗ rừng tự nhiên đã bị khai thác và vận chuyển đi. Mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ công tác phát hiện bên địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có một bãi tập kết gỗ lậu lớn và 10 lâm tặc đang ở trong một lán trại gần đó.

Một trong rất nhiều gốc còn sót lại tại rừng đặc dụng Nam Kar sau khi phần thân đã được mang đi tiêu thụ

Lâm tặc sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện

Không chỉ ngang nhiên vào rừng “xẻ thịt” cây trăm tuổi lấy gỗ như chốn không người mà các đối tượng lâm tặc còn sẵn sàng chống trả, thậm chí xuống tay đối với lực lượng chức năng. Cụ thể, ngày 18-12, hai cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia(VQG) Yok Đôn là anh Y Thông Chỉ Byă và anh Y Rin Kuăn đi tuần tra quản lý, bảo vệ rừng và phát hiện tại tiểu khu 267 thuộc VQG Yok Đôn có một nhóm lâm tặc đang phá rừng. 

Lúc này, lực lượng kiểm lâm đã khống chế được một đối tượng, các đối tượng khác nhanh chân tẩu thoát. Tuy nhiên, ít phút sau hàng chục lâm tặc khác kéo đến bao vây hai cán bộ kiểm lâm và dùng dao chém khiến anh Y Thông Chỉ Byă bị đứt hai gân ngón tay. Trước sự manh động, liều lĩnh của lâm tặc buộc anh Y Rin Kuăn phải nổ súng bắn chỉ thiên thì nhóm lâm tặc mới bỏ chạy. Lúc đó, các cán bộ kiểm lâm mới đưa anh Y Thông Chỉ Byă đến bệnh viện cấp cứu.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk khẩn trương vào cuộc điều tra. Đến ngày 19-12, Công an huyện Ea Súp đã bắt giữ được năm đối tượng liên quan vụ phá rừng và chống người thi hành công vụ, xử lý theo quy định pháp luật.

Các đối tượng lâm tặc bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang cưa xe gỗ trong rừng

Theo lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các vụ phá rừng đều được các đối tượng sắp xếp, tính toán khá kỹ lưỡng về vị trí, thời gian. Thậm chí, còn cử người theo dõi hoạt động của lực lượng Kiểm lâm trong quá trình tuần tra, kiểm soát để dễ dàng thực hiện hành vi phá rừng. Chính điều này, gây nên nhiều khó khăn cho công tác ngăn chặn. 

Ngoài ra, đa phần các đối tượng lâm tặc đều từ các tỉnh khác đến và một số được các đầu nậu thuê để vận chuyển gỗ nên rất manh động, sẵn sàng xuống tay với lực lượng Kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng nếu bị phát hiện. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại không được trang bị các dụng cụ hỗ trợ đủ mạnh và bị giới hạn về quyền trong quá trình xử lý. 

Các đối tượng dựng lán ngay tại rừng để  thuận tiện cho việc phá rừng và vận chuyển lâm sản

Phải xử lý nghiêm các vụ phá rừng

Liên quan đến vấn đề phá rừng diễn ra phức tạp trong những ngày đầu mùa khô, ông Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết, Tỉnh uỷ đang chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra và phải cương quyết, tập trung hơn nữa, phải có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa, gắn với trách nhiệm của lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. “Nếu anh để xảy ra phá rừng nhưng không có đề xuất gì để quản lý bảo vệ rừng, vẫn để xảy ra tình trạng rừng bị tàn phá thì trách nhiệm cá nhân phải bị xử lý. Thậm chí có dấu hiệu hình sự, cũng phải xử lý hình sự” ông Cường khẳng định.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra, đo đếm số lượng cây bị phá 

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, trước tình trạng phá rừng xảy ra liên tiếp và các đối tượng lâm tặc manh động, Tỉnh uỷ đang yêu cầu lập ban chỉ đạo về rừng, đồng thời yêu cầu làm nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về bảo vệ rừng nhất là Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Theo ông Cường, vấn đề quản lý bảo vệ rừng là hết sức quan trọng. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng thuộc diện bảo tồn thì phải giữ một cách nghiêm ngặt.

Phạm Hoài