Khủng hoảng nguồn cung - không dễ mua nhà

Bất động sản - Ngày đăng : 10:55, 24/12/2019

(TN&MT) - Nếu như giai đoạn 2009 - 2010 thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng thừa khi dự án chào bán nhiều nhưng không có người mua. Ngược lại, năm 2019, thị trường lại rơi vào thiếu hụt nguồn cung. Vì vậy, dự báo sang năm 2020, cơ hội sở hữu nhà ở sẽ càng khó khăn hơn.

Thị trường bất động sản hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn sản phẩm bao gồm cả chung cư, đất nền, nhà riêng lẻ. Tuy vậy, cơ hội sở hữu nhà của người Việt sẽ ngày càng khó hơn bởi quỹ đất ngày càng ít, nhà ở bình dân và nhà ở xã hội khan hiếm, giá nhà tăng cao và đặc biệt việc siết tín dụng cho vay đầu tư, mua nhà để ở ngày càng khó khăn. Các chuyên gia nhận định, nếu năm 2020 và một số năm tiếp, nguồn cung không được cải thiện sẽ dẫn tới thiếu hụt sản phẩm nhà ở.

Thiếu hụt nguồn cung

Năm 2019, là năm khó khăn của thị trường bất động sản. Việc rà soát, siết chặt thủ tục đầu tư đối với các dự án bất động sản đã dẫn đến nguồn cung thị trường thiếu hụt trầm trọng. Bên cạnh đó, nguồn vốn dành cho các dự án cũng chính thức bị Ngân hàng Nhà nước hạn chế theo đúng lộ trình. Chính sách cho phát triển nhà ở chưa rõ ràng khiến lòng tin của khách hàng giảm sút … Đây được xem là những yếu tố tác động không tốt đến thị trường trong những năm tới.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản, so với năm 2018, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội và TP.HCM sụt giảm 52%. Ước tính chỉ đạt khoảng 43.000 căn hộ trong năm 2019.

Báo cáo của Công ty JLL Việt Nam cũng ghi nhận nguồn cung căn hộ thấp kỷ lục ở hai thành phố này. Cụ thể, tại Hà Nội, lượng căn hộ mở bán chỉ đạt trên 4.660 căn, thấp hơn 65,3% so với quý trước. Còn tại TP. HCM, lượng mở bán căn hộ đạt hơn 4.100 căn, đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014.

Năm 2019 là năm khó khăn của thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Minh

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khó khăn trên thị trường bất động sản xuất phát từ việc Chính phủ hạn chế dòng vốn vay. Việc xây dựng dự án tiếp tục gặp vướng mắc do thủ tục hành chính bị siết chặt, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, chính quyền đẩy mạnh rà soát, thanh tra làm giảm nguồn cung thị trường bất động sản.

“Nếu như giai đoạn 2009 - 2010 thị trường khó khăn do khủng hoảng thừa nguồn cung bất động sản. Dự án bán không có người mua. Thế nhưng, năm 2019, vấn đề khó khăn của thị trường lại là thiếu hụt nguồn cung do doanh nghiệp không thể triển khai dự án.” - ông Nam nhận định

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest nhìn nhận, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay là do các bộ Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai... đều có sự sửa đổi. Theo đó, nhiều quy định liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá, đấu thầu đất đai... cũng thay đổi nên các đơn vị thực thi pháp luật hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Việc này khiến hàng loạt dự án bị chững lại…

Doanh nghiệp ngồi trên đống lửa

Năm 2019, được đánh giá là năm thị trường có nhiều ảnh hưởng từ chính sách, quy định mới. Ông Trương Tú Anh - Giám đốc Khối kinh doanh và Thị trường Công ty Phúc Khang cho rằng, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải vượt qua 2 khó khăn lớn trong năm 2020 đó là thủ tục pháp lý và cạnh tranh.

Trong đó, những khó khăn về thủ tục hành chính và sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung. Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn các cơ quan quản lý giải quyết nhanh các vấn đề liên đến quy hoạch để làm cơ sở cấp phép dự án.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, phân tích ở một số thành phố lớn, các khâu phê duyệt cũng như kiểm tra thực hiện dự án cũng khắt khe và khó khăn hơn. Bên cạnh mặt tích cực giúp thị trường minh bạch, bền vững cũng khiến thời gian thanh kiểm tra kéo dài hơn so với trước.

Theo ông Thanh, thị trường năm 2019 có nhiều điểm sáng, song số lượng sản phẩm đưa ra thị trường ít hơn những năm trước. Với đà này, năm 2020, nguồn cung nhà ở tiếp tục giảm sút và chỉ những dự án đã hoàn thiện thủ tục, mới có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường.

Phân khúc đất nền từ đầu năm 2019 ghi nhận mức độ sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung. Cụ thể, TP. Hà Nội chỉ có 6 dự án được phê duyệt. TP.HCM phê duyệt được 3 dự án nhà ở thương mại; chấp thuận chủ trương 10 dự án. Đáng chú ý, có hơn 150 dự án thuộc diện rà soát cơ sở pháp lý; 30 dự án tiếp tục rà soát...

Bên cạnh đó, nếu khâu định giá đất cho năm 2020 - 2025 không có định hướng cần giữ vững ổn định thị trường, tạo bình ổn giá cả mà chỉ đưa ra hướng tăng mạnh để thu về, hoặc không tạo cơ chế chính sách cho nhà ở thu nhập thấp thì cơ hội, sự quan tâm của doanh nghiệp vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp sẽ rất hạn chế.

“Thực tế năm 2019 không có cơ chế khuyến khích, nếu không có gì thay đổi thì đương nhiên trong năm 2020 vẫn tiếp tục tình trạng như vậy”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thùy Linh