Thành phố không phát thải

Xã hội - Ngày đăng : 15:09, 17/12/2019

(TN&MT) - Trong một thời gian dài phát triển công nghiệp như vũ bão, nhiều nước phương Tây đã phải trả giá đắt cho sự thái quá của mình: Môi trường sống bị tàn phá do công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thật may, họ đã kịp thời tỉnh ngộ, hướng đến một cuộc sống bền vững hơn, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên hơn. Nhưng với Việt Nam, dường như bài học đó chưa được “thấm nhuần”.

Thực tế cho thấy, các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Đô thị hóa nhanh mất kiểm soát về chức năng và mô hình kiến trúc đô thị, thiếu sự kiểm soát phát triển đồng bộ, thiếu hệ thống dịch vụ xã hội và kỹ thuật đô thị, môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu - nước biển dâng…, đang là những rủi ro tiềm ẩn.

Lấy ngay Hà Nội làm minh chứng. Câu chuyện ô nhiễm không khí đang trở lên cực điểm. Các chỉ số “sẫm màu” luôn khiến người dân thấp thỏm lo âu. Tăng trưởng kinh tế nhanh, bên cạnh những tác động tích cực đến việc phát triển xây dựng các thành phố, cũng kéo theo những mối đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người.

Điều này mới nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng những quyết định được đưa ra bởi Chính phủ, khu vực tư nhân và cả người dân dựa trên việc tổng hợp từ hàng triệu các quyết định đơn lẻ khác nhau khiến chúng ta nhận ra rằng, một tổng số các quyết định của các cá nhân thường không dẫn đến một lợi ích chung. Khi môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn; khi các cộng đồng dân cư phải rời bỏ nơi ở, nơi tái định cư vì quá trình hiện đại hóa và những dự án lớn và khi con người bị cách ly sống trong các khu ổ chuột hay nghèo khổ cùng cực, trong khi thành phố ngày càng sung túc hơn - chứng tỏ rằng, có gì đó không đúng đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta.

Chỉ số ô nhiễm không khí "sẫm màu" luôn khiến người dân thấp thỏm lo âu. Ảnh: Hoàng Minh

Các nhà nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, trong khi toàn cầu hóa có thể đem đến nhiều lợi ích nhờ vào hiệu quả kinh tế thông qua cạnh tranh, khả năng tiếp cận rộng lớn tới thông tin, công nghệ và học tập những kinh nghiệm tốt từ bên ngoài, thì chính quá trình này cũng gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường sống ở các đô thị. Những vấn đề này bao gồm cả xu hướng dịch chuyển các ngành công nghiệp ô nhiễm từ các nước giàu đến các nước nghèo hơn và trong đó rất ít lợi ích được dùng để hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống tốt tại các thành phố. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó, sự bất bình đẳng ngày một lan rộng ở cả cấp độ toàn cầu cũng như địa phương.

Thành phố bền vững phải có trật tự kỷ cương xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao. Nhưng bây giờ, nhìn trong sự vận động quay cuồng của các đô thị lớn, sẽ thấy những mối nguy tiềm ẩn, ngay sát mình. Ngay chính mỗi người đang bị ô nhiễm nặng nề, trở nên chai sạn, thậm chí vô cảm, đó là nguy cơ, là hiểm họa… Không đâu xa, những cư dân đô thị là đối tượng dễ bị “nhiễm bẩn” nhất. Bởi vậy, để chuẩn bị đường dài cho sự thay đổi, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng trong ý thức người dân, tạo thành những khối thống nhất.

Đà Nẵng và Cần Thơ là hai thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới HINKU - một tổ chức có tính kết nối các thành phố trên thế giới hướng đến không phát thải khí nhà kính, nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Đây là những nỗ lực là mong mỏi tích cực của những người yêu môi trường. Nhưng, nếu ý thức người dân còn mù mịt, lãnh đạo cũng bất lực. Mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích cá nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mẫu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.

Một thành phố giàu có, đầy ắp hàng hóa, đầy đủ tiện nghi, nhưng con người sống trong nó luôn cảm thấy bất an, tính mạng bị đe dọa, rủi ro cao, cuộc sống bấp bênh thì đó không thể gọi là thành phố phát triển bền vững dưới bất kỳ khía cạnh nào.

Ngọc Lý