Nhức nhối vi phạm đê điều

Xã hội - Ngày đăng : 10:54, 12/12/2019

(TN&MT) - Chín tháng năm 2019, trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát sinh 82 vụ vi phạm đê điều. UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị Ban Thường vụ các Quận, Huyện, Thị ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện quy định của pháp luật về đê điều. 

Chưa xử lý đứt điểm

Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, chỉ trong tháng 8/2019, trên địa bàn Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai xảy ra 10 vụ vi phạm pháp luật đê điều, không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm, báo cáo UBND thành phố trước ngày 5/10. Tuy vậy, những vi phạm xảy ra trên các tuyến đê hữu Hồng, hữu Đà, tả Đáy, hữu Cà Lồ… cho đến nay, vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết, tất cả vi phạm đều được các hạt quản lý đê lập biên bản, thiết lập hồ sơ chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. Sở NN&PTNT Hà Nội đã gửi công văn đề nghị các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên... tập trung xử lý vi phạm ngay trong tháng 9/2019.

Chín tháng năm 2019, trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát sinh 82 vụ vi phạm đê điều. Ảnh: MH

Để biết thêm thực tế, phóng viên đã khảo sát đê tả Đáy, đoạn qua địa bàn huyện Ứng Hòa dài 36,3km, có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản khoảng 10.000 người sinh sống trên địa bàn 13 xã, thị trấn ven đê. Ngoài ra, đê tả Đáy còn giữ vai trò tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức... Tuy vậy, hiện nay, trên tuyến đê này vẫn còn nhiều hộ vi phạm pháp luật đê điều như xây móng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều, hoặc đổ bê tông, dựng khung nhà trong hành lang bảo vệ mái đê.

Lý giải về nguyên nhân chậm xử lý vi phạm, ông Phạm Ngọc Dũng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức cho biết, do tuyến đê đi qua nhiều khu dân cư sinh sống từ lâu đời, nhiều gia đình có đất thổ cư nằm trong hành lang bảo vệ đê… Bên cạnh đó, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của tuyến đê nên chưa tự giác chấp hành quy định của pháp luật. Một số chính quyền cấp xã chưa kiên quyết xử lý, thậm chí, có biểu hiện né tránh giải quyết vi phạm...

Đề nghị kỷ luật người đứng đầu

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ các Quận, Huyện, Thị ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều; đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo khi không kịp thời ngăn chặn, để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều nhưng không xử lý dứt điểm…

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.

Chín tháng năm 2019, 17 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 82 vụ vi phạm pháp luật đê điều, trong đó, huyện Ba Vì nhiều nhất 20 vụ; tiếp đến Sóc Sơn 14 vụ, Thường Tín 8 vụ, Ứng Hòa 6 vụ... Điều đáng nói, đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý 14 vụ, còn tồn đọng 68 vụ...

Các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều theo đúng quy định; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay từ khi phát sinh và phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội nếu để xảy ra vi phạm mới nhưng không xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật…

Phạm Thu Hà