Sông Lô bi ký - Bài I: Những cung đường trên mặt nước

Xã hội - Ngày đăng : 10:53, 12/12/2019

(TN&MT) - Cữ nửa tháng trời, dằng dặc đêm trên thuyền, ngó đất liền hiu hắt, tang thương dâu bể, chúng tôi đã đi hết cái quãng sông Lô chảy từ cảng Tuyên Quang về đến ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ), để gói lại hành trình thiên tai và “nhân tai” dọc bờ lưu thủy này.

Trong bức tranh ruộng đồng xơ xác, những bến đò cũ kỹ cô liêu ngút ngát, lác đác phiên chợ tạm không tên, lại hiện lên nham nhở triền đê, chập chờn bóng người tiễn nhau ra nghĩa địa, mưa xối xả, lòa nhòa xám xịt. Cơ man cảnh làng trù phú xa xưa, nay đã chìm dưới đáy sông.

Trước lúc đặt chân lên cái bãi doi Dù Dì thò ra giữa địa phận Hàm Yên và Sơn Dương, chúng tôi đã quá giang một con thuyền thương lái nghề cát, đi ngót trăm cây số. Trong chừng 145km sông chảy qua Tuyên Quang, có chín cầu bắc ngang tả hữu, mới và cũ. Tôi quyết đến Dù Dì, bởi nơi ấy là khởi nguồn đại hồng thủy sông Lô năm xưa, bởi tôi sẽ qua cây cầu cùng tên bờ bến Bình Ca, bên những nương ngô biêng biếc điệp trùng, hồi tưởng cổ sử trang nghiêm trong trường ca của cố nhạc sỹ Văn Cao, nay chỉ còn rêu phong hoài niệm. Và cũng bởi, tới được Dù Dì, là khi tôi đi hết liên miên ngôi làng phía chân thượng nguồn, tường mọi sự tan hoang mấy mươi năm dọc triền đê thẫm màu đất đỏ.

Một góc khu tàu khai thác cát ven sông Lô

1 - Đêm cuối trên thuyền, ánh điện lờn lợt, thảng lại phụt tắt khi có tàu tuần tra của công an. Họ là dân buôn cát, làm khâu chuyên chở trung gian, chẳng rõ mình vi phạm điều khoản gì, nhưng cái việc tắt điện từ lâu đã thành lệ. Dù tối om, song vẫn tỏ mặt người. Những mặt người cố vẽ nét cười khi nói chuyện với lực lượng chức năng. Càng cười, mặt họ càng méo, nhăn nhó cơ hàn.

Có hàng trăm khuôn mặt như thế ven bờ sông Lô này. Nông Thị Sự 20 tuổi, là cô gái Tày trẻ nhất xóm thuyền ngụ cư, bao năm long đong ngược xuôi theo cha buôn chuyến. Em bỏ học từ hồi lớp 10.Gia đình Sự quê gốc tận Trùng Khánh (Cao Bằng), mẹ mất sớm, bố rời bản, dạt xuống Yên Bái rồi đổ dần mé Tuyên Quang, Vĩnh Phúc làm ăn, chuyện học của em cũng dở dang cùng hai anh trai trong nhà.

Rạng canh ba, tiếng đàn dê thở khò khè đầu cồn, sóng nhè nhẹ liếm mạn tàu, Sự khó ngủ mang đôi can dầu cạn ra phía mui cọ rửa. Em ngâm nga lẩy mấy ca từ: “Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em/Qua bến Bình Ca đứng lặng, cây đào ngày Tết sắp ra hoa/Sao người con gái ấy nơi đâu, để lại bến sông xưa bâng khuâng một con đò”. Cũng thuở cuối năm bốn mùa đông trước, chị dâu Sự đã ra đi trong cơn lũ dữ, để lại đứa con thơ mới vài tháng tuổi, khóc ngằn ngặt hằng đêm vì khát sữa. Tự bao giờ, đứa bé ấy gọi Sự là mẹ.

“Chủ tàu đều người dưới xuôi. Hầu hết các gia đình thầu lại tàu hay làm thuê. Người bản địa dọc bờ sông cũng xuống tàu,hoặc tha hương tứ tán, đất canh tác ngày càng hẹp, dân chỉ về dịp cấy hái. Ở đây, mùa nào cũng là giáp hạt”. Ánh mắt Sự mênh mông tối, loang vào mặt nước thẳm, sông lễnh loãng ran lên từng đợt tăm bốc mùi tanh khăn khẳn.

2 - Bãi Dù Dì trườn dài, nằm theo thẻo như cái sẹo lớn, vạch lên ăm ắp sự điêu tàn trên khắp cơ thể xã ven đê Sầm Dương. Chiếc thuyền nhà Sự neo kế đám lau sậy lúp xúp. “Từ cảng Tuyên Quang đến Phú Lương, chỉ còn chỗ này trú tạm”, Sự nhấm nhẳng bước sang cái lều tôn, vòng tay đay đả bế đứa nhỏ. Mấy tháng nay, bão về, gió mùa dày hơn, khúc quanh đê Sầm Dương trở thành chiếc eo kín, chắn phong ba, cả thảy trăm nhân khẩu chui rúc vào đó.

Những chái lều mái tôn quây ván ép mọc lên hỗn độn trên lấp xấp bè nổi, tựa dãy dài công-ten-nơ di động.“Cha và hai anh lên thuyền. Độ này ít việc, đàn bà trong xóm đều nhàn rỗi. Tàu nào công suất lớn mới dám chạy tít Hải Dương, Hải Phòng, còn lại chỉ đổ mối lẻ, lặt vặt quanh vùng. Mà cát giờ cạn, hút gần bờ mới có”, Sự quay quả nói. “Gần bờ là nuốt đất nhà, đất ruộng của bà con, hút sao được”, tôi hỏi.“Tất tật chủ tàu lo, từ phương tiện đến giấy tờ. Mọi người chỉ buôn lại hoặc vận chuyển thuê, ít nhà sắm được tàu riêng. Mình chỉ có nhân lực, xong chuyến thì về lều ở”.

“Thu nhập thế nào?”. “Bấp bênh lắm. Trước, trừ hết chi phí, tháng còn được bảy, tám triệu một thuyền, giờ việc khai thác khoáng sản bị siết chặt, hàng khan, cố giỏi khoảng năm triệu. Mỗi thuyền ít nhất đã ba miệng ăn. Tết này, hầu hết bà con tá túc ở mạn đê. Chiều mồng hai, các tàu khai thác đã tranh thủ ra quân rồi”. Cuối chuyện, Sự chỏng lỏn thõng một câu, dọc sông này, chả ai thống kê nổi có bao nhiêu đứa trẻ sinh ra và thất học.

Xóm thuyền ngụ cư

3 - Phương Đông sau cơn mưa đêm, rầu rầu thứ nắng ảm đạm. Ngàn xanh chót vót tịch mịch thi thoảng thả một cọng gió mồ côi, chạy rộn rạo xuống lùm xùm mái nhà trống huơ trống hoác. Đến khi lão nông cao niên Nguyễn Quang Minh ra đón phía đầu làng Dù Dì, chúng tôi đã đi hết cái cảnh lùng nhùng tạm bợ, dẫn miết dọc con đường nhão nhoét như không có đường. Lão đứng cạnh gò mả thấp tè um tùm cỏ dại, chỉ tay liêu xiêu mé sông, bảo, năm xưa đê vỡ, làng trôi hết xuống đó. 

Cả những người già nhất dọc Vĩnh Lợi tới Lâm Xuyên xứ Tuyên này, đều kể rằng, lọt lòng bám sông đã thấy đê, thoai thoải tít tắp, sõng sọa triền cỏ xanh rì. Đê và sông được cát cứ bởi quãng giữa ngút ngát đồng ngô lạc, ngờm ngợp phù sa ối đỏ.

Bức đời sống thủy thổ trù phú ấy, nay đã ẩn ức xưa. Xưa mà chưa xa vắng. Chớp mắt, sự biến thiên tồn sinh khiến quần thể vạn vật man dại kiệt dần, cạn dần, co cụm. Nay, đê và sông đã nhập vào, liền một khối. Đê như sởi chỉ mỏng, cong cớn gầy queo, nứt toác, lở lói ta luy. Sông phình rộng ra, nơi thì thắt lại, lỗ chỗ huyệt đạo, tựa từng khoảnh bãi dài lổn nhổn chắp vá. Đồng ruộng xóm làng sau bao cơn phong hóa bởi nạn đào bới, móc ruột cát sỏi sa khoáng, đã vùi xuống chân đê, chìm sâu đáy sông, kéo theo bộn bề giai tầng văn hóa.

Lão niên Minh giỏi chữ nho, thuộc người cả nghĩ, thuộc số ít không bỏ làng đi năm đê vỡ 1986. Sống sót từ thuở ấy, nên nhìn đê làng hôm nay, lão Minh ngậm ngùi là phải.Lão tư lự bảo, đê là thành lũy kiên cố, xây dựng bồi tụ theo năm tháng, được đánh đổi bằng công sức mồ hôi, nước mắt và máu của hàng vạn sinh linh; đời nọ nối đời kia, người còn người mất, nhưng đê phải luôn tồn tại, vững chãi. Đê thời nay quắt lại, hầm vách giăng như mạng nhện, yếu hơn đê thời xưa lắm rồi, chỉ thiếu một cơn thủy nộ thôi.

4 - Chúng tôi đi tà tà ngót chục cổng làng, từ thôn Mãn Sơn, qua Hưng Thành, Hưng Thịnh, Hưng Định, đến Lương Thiện, Cây Xi… mất ba tiếng đã khép hết sáu xã Vân Sơn, Đông Thọ, Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Sầm Dương, Lâm Xuyên của huyện Sơn Dương. Vùng tây nam tả này, phòng tuyến đê chiếm hàng chục cây số, là địa thế linh thiêng ngăn lũ và sói lở cho cả đồng tỉnh. Cứ mường tượng, bức tường cuối ấy sụp đổ, thì hạ lưu sẽ gom hết bi thương của loài người mà lạc vùi vào kỷ băng hà hỗn mang.

Tiếc rằng, lớp con cháu hôm nay chẳng nghĩ sâu xa thế. Lẽ đương nhiên bởi, họ chưa từng phải tị nạn trên những mái nhà, thoi thóp thở bất lực nhìn đê tàn, đất long ra theo nước xiết, cuộn réo ầm ầm dưới chân, rồi cuốn phăng tất thảy trong vũ trụ vô hạn.

Theo khảo sát mới đây, hai tuyến đê ở Tuyên Quang với chiều dài hơn 43km bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều khu vực trong tình trạng nguy hiểm báo động cấp 1. Đoạn qua các xã Vân Sơn, Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Sầm Dương, Lâm Xuyên, mái đê bị xói lở, bờ sông nứt hàng cây số, có nơi cách chân đê 2,5m, chiều cao ta luy sạt thẳng đứng từ 8 đến 12m; hơn 10 thôn xóm đã bị mất đất bãi sản xuất.

Hồi hôm, ông Âu Văn Tá dẫn tôi coi cái đoạn ngắn vài ki-lô-mét đê Xạ Hương, vết thủng hơn 300m ăn tận chân bờ. Chính ông, vị Chủ tịch xã Đông Thọ ấy, đã phải day dứt ký quyết định cấm ô tô, cấm để cứu đê. Lâu nay, đường làng ông tịnh không một bóng loại phương tiện này. Ngồi trà vãn với tôi, ông cứ than ngắn than dài, chắc khối kẻ bị chặn kế làm ăn, oán lắm, nhưng thân đê đã nghiêng lún hẳn.

Xã ông Tá mấy bận họp, xin kinh phí, huyện đề nghị tới tỉnh, nay vẫn chùng chình mãi. Ông mong, con đê già cố vượt kỳ mưa bão, đợi năm sau tiền về ắt tu bổ khởi sắc. Trong chạng vạng quán chợ ven đường, mặt ông tần ngần như mất sổ gạo thời bao cấp, tẩn ngẩn đằng hắng, giá dừng hẳn được việc cấp phép khai thác cát sỏi, nạo vét lòng sông, quá nửa hộ dân mất diện tích đất bãi rồi.

…Mặt giời lệch núi. Mây xám lờ nhờ dần treo một mảnh trăng chiều loãng bóng xuống dòng sông. Tối rất nhanh. Sau bữa cơm chóng vánh, lão niên Minh đánh năm tiếng kẻng. Bà con rục rịch túa ra mọi thôn xóm, tụ lại bãi Dù Dì. Và buổi họp của ban quản trị làng Sầm Dương bàn sách lược cứu đê, chống “cát tặc” được bắt đầu. 

Bài 2: Lịch sử làng vùi xuống chân đê

Thiệu Anh