Chật vật với thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:06, 12/12/2019

(TN&MT) - Khi đô thị đông đúc và tiêu dùng nhiều hơn, đặc biệt thêm tác động của thiên tai, chúng ta sẽ phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao hơn.

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là các đô thị lớn đã và đang phải đối diện với những hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH), như nhiệt độ tăng, ngập nước, ô nhiễm không khí, nguồn nước, chất thải công nghiệp. Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo “Chuyển hóa đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Trung tâm Phát triển vùng và đô thị (CRUS) phối hợp cùng ĐH Văn Lang TP.HCM tổ chức ngày 10/12.

Đô thị lớn của Việt Nam đang chuyển hóa mỗi ngày với tốc độ mạnh mẽ trong 30 năm trở lại đây. Quá trình chuyển hóa diễn ra trong bối cảnh BĐKH, một trong những vấn đề toàn cầu, chúng ta cần ứng xử ra sao trong tương lai? Đó là một câu hỏi lớn dành cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách.

Ngập lụt tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh

Theo Bộ Xây dựng, phần lớn các đô thị của Việt Nam nằm trong vùng dễ tổn thương của BÐKH. Ngoài các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ…, hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó, có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng.

Ðối với hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên có 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó, có 17 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất mạnh. BĐKH tác động đến việc phát triển hệ thống giao thông đô thị, làm gia tăng ngập úng đô thị,… ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân.

Đáng nói, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020" là cơ sở quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BÐKH, thế nhưng, soi chiếu vào các đô thị Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều “vùng xám” trước thiên tai…

Không khó để nhìn thấu hậu quả của đô thị kém thích nghi. Chúng ta có thể đo lường từ các yếu tố tăng trưởng dân số đô thị quá nhanh; sử dụng đất đai không hiệu quả; chính sách phát triển và quy hoạch yếu kém; thiếu hụt giao thông công cộng; thiếu kết hợp giữa mật độ và giao thông công cộng, việc làm, nhà ở, dịch vụ; phát triển dựa vào năng lượng và nhiều khí thải.

Trong số đó phải kể đến sự “bành trướng” đô thị, sử dụng năng lượng và xây dựng hạ tầng, nhà cao tầng mật độ cao… đều biến các thành phố thành nơi tiêu thụ năng lượng và tạo ra nhiều chất ô nhiễm. Khi đô thị đông đúc hơn và tiêu dùng nhiều hơn, đặc biệt, thêm tác động của thiên tai trong BĐKH thì phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao hơn.

Đã vậy, một cách tiếp cận thích ứng BĐKH dựa trên hệ sinh thái rất quan trọng, ít tốn kém, song chưa được coi trọng. Ở rất nhiều đô thị, các hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển đô thị; điển hình là san lấp hồ, ao, rừng ngập mặn để lấy đất làm nhà ở, từ đó, làm mất nơi thu giữ nước khi có mưa lớn, triều cường, mất cân bằng sinh thái. Việc giảm diện tích cây xanh, công viên và tăng cao mật độ xây dựng các nhà cao tầng, trong nhiều trường hợp thường chỉ phục vụ lợi ích kinh tế cho một nhóm người, nhưng sẽ làm nhiệt độ thành phố cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất, sinh hoạt của đời sống cả cộng đồng.

Một câu nói phản ánh sự thật trần trụi: “Khi cái cây cuối cùng bị chặt, con cá cuối cùng bị chết, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, sẽ quá muộn để người ta nhận ra rằng, thịnh vượng, tăng trưởng không chỉ là GDP”.

Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam tiếp tục diễn ra nhanh trong năm 2019 và đến đầu năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 40%. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy đến thập niên 40 của thế kỷ 21, sẽ có khoảng 50% dân số Việt Nam sinh sống tại các đô thị.

BĐKH đã ập vào nước ta từng ngày, từng giờ. Nhiều người vẫn còn “lờ mờ” chưa nhận ra rằng, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017, song chất lượng không khí, nước sạch, chất lượng sống lại có chiều hướng sụt giảm đáng lo ngại. Những bài học đắt giá về vụ việc cháy nhà máy Rạng Đông, nguồn nước nhà máy Sông Đà nhiễm dầu, ô  nhiễm không khí Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… trong năm 2019 là hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp môi trường sống nghiêm trọng tại các đô thị tráng lệ của nước ta.

Lũ lụt đô thị trở thành “đặc sản” và chúng ta nai lưng để trả nợ tự nhiên bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập với con số hàng tỷ, chục tỷ đô la. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng thách thức “nổi bật” ở Việt Nam sẽ là lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do BĐKH và đặc biệt, sau những bản quy hoạch bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô.

Trong đô thị hóa, nguồn phát thải khí CO2 chủ yếu đến từ đô thị khi chiếm tới 70% lượng khí CO2 toàn cầu, trong khi các đô thị chỉ chiếm khoảng 0,2% diện tích thế giới. Lối sống công nghiệp và tiêu dùng tối đa (đặc biệt là di chuyển liên tục) góp phần phát thải khí CO2. Cụ thể, lượng khí thải đô thị thay đổi phụ thuộc vào sự hủy diệt tự nhiên, lối sống, hình thái không gian và các phương tiện giao thông.

Ai sẽ lý giải sự liên hệ giữa lở núi trong lũ năm 2017 của vùng Hòa Bình bị san núi lấy đá, nung vôi với hình ảnh các đô thị cao tầng tăng chóng mặt ở Hà Nội và vùng lân cận? Ai chứng kiến nỗi đau của từng khu dân cư ven sông lâu đời tụt xuống nước trong chớp mắt, khi lòng sông xói lở do bị khai thác cát đến kiệt cùng? TP.HCM đã thành siêu đô thị kẹt cứng vì mưa to, lụt lội, triều cường không còn theo mùa mà thất thường trong cả năm, khi đô thị phát triển tràn lan sang phía Nam và Đông Nam chẹn đường thông lưu của nước?

Muốn nâng cao tính bền vững cho đô thị, cần đến tầm nhìn vượt cao hơn những lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Phương Anh