Hiến kế xây dựng bộ tiêu chí môi trường trong giai đoạn mới

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:20, 10/12/2019

(TN&MT) - Tại Hội nghị toàn quốc về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất để xây dựng bộ tiêu chí môi trường giai đoạn sau 2020 phù hợp, tiệm cận với nông thôn hiện đại, văn minh, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Cần lượng hóa các chỉ tiêu môi trường

Trong giai đoạn sau năm 2020, mục tiêu về môi trường đặt ra là đưa số xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường từ 65,5% hiện nay lên 85% vào giai đoạn 2021 – 2025, số huyện đạt tiêu chí về môi trường đạt khoảng 40%. Đây là một trong những thách thức mà các ngành, các cấp đặt ra đối với ngành TN&MT.

Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Trong bộ tiêu chí 17 trước đây có một số chỉ tiêu để ở mức định tính, ví dụ chỉ tiêu đánh giá đã “đạt”. Trong giai đoạn tới, cần rà soát, xem xét để đưa ra những chỉ tiêu mang tính định lượng. Tôi lấy ví dụ, về thu gom, xử lý rác thải, sẽ quy định đánh giá đạt tỷ lệ bằng con số cụ thể. Theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện nay, tỷ lệ rác chôn lấp lên tới 71%.

Trong Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, đến năm 2025, toàn quốc sẽ phải giảm tỷ lệ chôn lấp dưới 30%. Điều đó có nghĩa, có khoảng 40% rác thải sinh hoạt ở Việt Nam sẽ phải áp dụng công nghệ khác. Đây sẽ là một trong những tiêu chí được lồng ghép đưa vào Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020. Đồng thời như vậy, chúng ta phải hình thành một số cơ chế chính sách hỗ trợ, với mục tiêu là đảm bảo môi trường sống trong lành, an toàn cho người dân.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Đề nghị xây dựng bộ tiêu chí phân theo vùng

Để hoàn thiện Tiêu chí 17 cho phù hợp với giai đoạn 2021-2025, tôi cho rằng, tiêu chí môi trường là tiêu chí động, thay đổi thường xuyên theo tốc độ phát triển kinh tế. Vì vậy để thực hiện có kết quả tốt phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội.

Điều này có ý nghĩa quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Trong bộ tiêu chí 17 này, tôi đề xuất tách tiêu chí về an toàn thực phẩm để thuận lợi cho việc hướng dẫn, đánh giá kiểm tra chuyên ngành, đồng thời có những chỉ số lượng hóa rõ hơn nhằm thúc đẩy việc bảo vệ tài nguyên tự nhiên, cảnh quan và môi trường sống.

Xây dựng bộ tiêu chí phân theo vùng để đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới phù hợp với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa (về tỷ lệ thu gom, phân loại chất thải rắn; xây dựng nghĩa trang, bãi rác theo cụm xã...).

Cùng với đó, nên chia thành nhóm chỉ tiêu bắt buộc, nhóm chỉ tiêu khuyến khích (trồng hoa bên đường, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đường). Triển khai thực hiện xây dựng tiêu chí, đáp ứng đúng thực chất nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp đặc thù từng xã; tránh việc làm hình thức, máy móc theo tiêu chí, gây lãng phí nguồn lực.

Xây dựng định mức, tiêu chuẩn thiết kế đối với công trình thoát nước, xử lý nước thải nông thôn; quy định về tỷ lệ nước thải được thu gom phù hợp với từng vùng miền; quy định về yêu cầu vệ sinh môi trường trong tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu.

Cũng cần quy định rõ tỷ lệ hộ gia đình phải thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt; tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; tỷ lệ các tuyến đường trồng cây, trồng hoa; cần lượng hóa trong bảo vệ rừng, nguồn nước, đất đai và các nguồn tài nguyên khác.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Đã đến lúc nên đề xuất cơ chế, chính sách mới cho môi trường nông thôn

Có hai vấn đề cần thiết bây giờ là sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp chính quyền từ cấp xã, huyện trong chỉ đạo. Cùng với đó, tăng cường cán bộ theo dõi lĩnh vực môi trường ở xã, huyện.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Bộ TN&MT nên phối hợp rà soát lại bộ tiêu chí từ chuẩn, nâng cao đến kiểu mẫu. Từ đó, nâng cao các tiêu chí hơn; đặc biệt “kiểu mẫu” càng phải nâng cao hơn nữa.

Mô hình có, nhận thức có, đã đến lúc chúng ta nên đề xuất với Chính phủ về cơ chế, chính sách mới cho vấn đề môi trường nông thôn. Chẳng hạn như vấn đề nước sạch nhiều nơi chưa đảm bảo, đã đến lúc đẩy mạnh xã hội hóa, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước về vùng sâu. Hoặc vấn đề rác hiện nay quy định thu gom, giá như thế nào, gắn với phân loại rác tại nguồn, chính sách khuyến khích ra sao… phải có cơ chế chính sách, có khuyến khích và xử lý nghiêm minh.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng, Văn phòng điều phối NTM Trung ương: Cần làm rõ nội hàm tiêu chí môi trường

Hiện nay, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập. Trước hết, sự phân công chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các ngành trung ương về các chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường; đội ngũ tổ chức thực hiện công tác môi trường còn thiếu. Trong khi đó, bản thân nhận thức của các cán bộ vận hành trong doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư xử lý về môi trường cũng chưa đầy đủ.

Một bất cập nữa là ở những quy định đối với 8 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường còn chung chung dẫn đến tình trạng thiếu bền vững trong kết quả thực hiện tiêu chí môi trường. Trong đó, các chỉ tiêu được đánh giá là “đạt”, các cơ quan chuyên môn không có hướng dẫn cụ thể về kiểm nghiệm, xác minh. Mặt khác còn bất cập trong quy định và cách thức triển khai các tiêu chí. Nhiều khiếu kiện, tố cáo xảy ra ở các địa phương chủ yếu liên quan đến tiêu chí môi trường không bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương

Do vậy, trong định hướng xây dựng bộ tiêu chí sắp tới cần xem xét những yếu tố bất cập trên để làm đề xuất điều chỉnh. Đồng thời, quy định, cụ thể hóa các chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường. Chẳng hạn như, thu gom chất thải rắn cần quy định cụ thể như thế nào là đạt. Hay với vấn đề nước sạch, trong bối cảnh hiện nay nên xem xét có sử dụng “nước hợp vệ sinh” hay phải là “nước sạch chuẩn”...

Đặc biệt, yêu cầu chất thải rắn tại nguồn phải quy định trong tiêu chí, bắt buộc số lượng chất thải rắn phải được phân loại. Nếu làm được như vậy có thể đảm bảo 3/4 lượng rác thải sinh hoạt nông thôn quay trở lại thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, vấn đề cảnh quan môi trường, trồng cây xanh  cũng cần những quy định cụ thể.

Tóm lại, trong việc xây dựng khung cơ chế, chính sách, đặc biệt là bộ tiêu chí trong thời gian tới cần làm rõ nội hàm tiêu chí môi trường cũng như các chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể để đưa ra nhu cầu nguồn lực phù hợp tới từng huyện, xã.

Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: Khó nhất là xử lý ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn và môi trường làng nghề.

Môi trường được coi là tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với tỉnh Hưng Yên, vấn đề khó nhất là xử lý ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Để thực hiện được cần nguồn kinh phí lớn, phải thay đổi nhận thức, ý thức của từng người dân nông thôn.

Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Thời gian qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhưng vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, nước thải nông thôn hầu như chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; còn 33% rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý; kết quả huy động nguồn vốn của người dân cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải kết quả còn hạn chế;

Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư còn bức xúc; còn 2 làng nghề ô nhiễm môi trường quan trọng chưa được xử lý triệt để; ý thức của một số bộ phận nhân dân chưa cao, chưa tự giác trong thu gom, xử lý rác thải; công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập; ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được 34%.

Do vậy, để hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay thực hiện các biện pháp bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái của cơ quan, đoàn thể các cấp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.

Tuyết Chinh – Tống Minh