“Loạn” cấp phép dự án trên bán đảo Sơn Trà: Ai chịu trách nhiệm về hàng loạt dự án sai phạm?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:20, 10/12/2019
Rừng đặc dụng “chảy máu”
Rừng đặc dụng trên bán đảo Sơn Trà (trước đây là rừng cấm) có những khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định. Pháp luật hiện hành quy định rừng đặc dụng có thể được sử dụng phục vụ nghỉ ngơi, du lịch nhưng phải tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Hàng loạt dự án biệt thự nghỉ dưỡng xâm phạm đến rừng đặc dụng Sơn Trà, có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT |
Điều lạ là cho đến năm 2017 UBND TP. Đà Nẵng vẫn chưa có động thái phân định rạch ròi các khu vực rừng đặc dụng để quản lý (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm). Đây là nguyên nhân dẫn đến việc cấp phép hàng loạt dự án xâm phạm đến “rừng cấm”.
Ngày 20/8/2008, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định 6758/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà với diện tích 2.591,1 ha. Tuy nhiên trước đó, UBND TP đã trình và được Bộ NN&PTNT thẩm định diện tích rừng đặc dụng trên thực tế là 3.871 ha. Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TP. Đà Nẵng đã cắt giảm gần 1.300 ha rừng đặc dụng để đưa vào hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng trên Sơn Trà.
Sai phạm này mở ra hàng loạt sai phạm khác khiến rừng đặc dụng Sơn Trà bị chảy máu. Cụ thể, trong số 18 dự án du lịch nghỉ dưỡng được Đà Nẵng cấp phép trên bán đảo này, 9 dự án có một phần là diện tích rừng tự nhiên (163,32 ha); 16/18 dự án không lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng.
3 dự án: Khu du lịch Bãi Bụt, Khu du lịch Bãi Trẹm, Khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản được Đà Nẵng giao đất khi không có dự án đầu tư. 4 dự án được chính quyền Đà Nẵng giao đất nhưng không thẩm định nhu cầu sử dụng đất: Khu du lịch, dịch vụ ven biển và dịch vụ sinh thái cao cấp Hồ Xanh; Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa – Mũi Nghê; Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy hải sản; Khu biệt thự Suối Đá).
Những căn 'biệt thự ma' lấp ló trong rừng cây ở Sơn Trà |
Bộ NNN&PTNT – đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm khi sử sử dụng số liệu của UBND TP Đà Nẵng tại quyết định 6758 năm 2008 của UBND TP Đà Nẵng. Bộ này sau đó đã trình Thủ tướng ban hành quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến 2020, tầm nhìn 2030 trong đó diện tích tại bán đảo Sơn Trà là 2.591,1 ha là không đúng hiện trạng Bộ đã thẩm định trước đó.
Doanh nghiệp cho xây dựng “ẩu”
Quý 2/2017, dư luận Đà Nẵng xôn xao trước những hình ảnh về một dự án đào bới cả sườn núi ở Sơn Trà thi công biệt thự. Đó là công trình Khu du lịch Biển Tiên Sa. Điều đáng nói, 40 móng biệt thự do chủ đầu tư xây dựng ở thời điểm đó đều sai phép. Từ đây, dư luận Đà Nẵng đặc biệt phẫn nộ về đối với việc cấp phép, quản lý các dự án trên toàn bộ bán đảo Sơn Trà. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lúc đó, ông Huỳnh Tấn Vinh đã gửi ‘tâm thư’ trực tiếp ra Thủ tướng, kiến nghị cho giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà. Ngoài Khu du lịch Biển Tiên Sa, hàng loạt dự án khác cũng vi phạm trong quá trình triển khai.
Chủ đầu tư các dự án KDL Bãi Trẹm, một số hạng mục dự án KDL Bãi Bụt, hạng mục hạ tầng khu A dự án tổ hợp KDL - dịch vụ cao cấp Sơn Trà; Khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm đã khởi công xây dựng khi chưa có giấy phép. Các dự án không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gồm Khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm; Khu biệt thự Suối Đá; KDL sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy hải sản.
Không lập, trình cơ quan chức năng ĐTM bổ sung gồm: dự án KDL Bãi Bụt; KDL Bãi Trẹm; KDL sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa; KDL nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá. Khởi công xây dựng khi chưa được phê duyệt ĐTM; chưa được cấp phép để xả thải có dự án Tổ hợp KDL - dịch vụ cao cấp Sơn Trà. Không làm thủ tục đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án có KDL sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy hải sản; KDL Biển Đông mở rộng.
Khoảng 1.300 ha rừng đặc dụng Sơn Trà bị xâm phạm do sự thiếu trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT |
Bên cạnh đó, có nhiều dự án chưa có văn bản xin gia hạn thời gian thực hiện dự án khi chậm tiến độ; chưa nộp tiền Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; khoản tiền 10% tiền sử dụng đất được giảm, ưu đãi đầu tư sai quy định…
Cũng tại bán đảo Sơn Trà, tại dự án KDL sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa, chủ đầu tư nhận bàn giao mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng, không có văn bản xin gia hạn; góp vốn bằng 33 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có biểu hiện chuyển nhượng dự án nhưng không thấy kê khai, nộp các khoản vào ngân sách.