Dấu ấn ngành Đo đạc và Bản đồ

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:52, 10/12/2019

(TN&MT) - 10 năm trở lại đây, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có bước tiến mới, phát triển vượt bậc với nhiều công trình đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của ngành TN&MT. Nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành, những người làm đo đạc và bản đồ tự hào, cùng nhau nhìn lại những sự kiện tiêu biểu, những thành quả quan trọng mà họ đã nỗ lực đạt được trong thời gian vừa qua.

Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ

Ngày 14/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ nhằm đảm bảo thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên các quy định liên quan đến hạ tầng không gian địa lý quốc gia (NSDI) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn Cách mạng công nghệ lần thứ tư được Quốc hội đưa vào các Luật.

Đại biểu Quốc hội chúc mừng Bộ trưởng Trần Hồng Hà sau khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Đo đạc và bản đồ (2018)

Mặc dù là một Luật chuyên ngành, có nhiều nội dung mang tính kỹ thuật phức tạp, ra đời trong bối cảnh Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đang có sự đổi mới công nghệ, công tác xã hội hóa đo đạc bản đồ đang được đẩy mạnh, một số hoạt động đo đạc và bản đồ đang được điều chỉnh rải rác trong các Luật chuyên ngành khác, tuy vậy, với sự nỗ lực của các thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ biên tập và đặc biệt là sự đóng góp rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, các khái niệm trong Luật Đo đạc và bản đồ đã được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu, gắn liền với thực tiễn. Luật Đo đạc và bản đồ có bố cục chặt chẽ với 9 Chương và 61 Điều.

Luật Đo đạc và bản đồ được thông qua ngoài việc tạo được một hành lang pháp lý cho sự phát triểncủa ngành còn góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ.

Cơ bản hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia

Ngày 5/10/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen đã ký 2 Văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, đây sẽ là các Văn kiện pháp lý chính thức về đường biên giới giữa hai nước.

Có thể nói, đây là thành quả hết sức to lớn mà hai nước đã đạt được thời gian vừa qua, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng kỹ thuật của Trung tâm Biên giới và Địa giới - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, đơn vị đã phối hợp tích cực cùng với Ủy ban Biên giới quốc gia, các Bộ, ngành và UBND 10 tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia thực hiện từ năm 2006 tới nay.

Công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia được thực hiện trên cơ sở Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ký ngày 27/12/1985, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới 1985 ký ngày 10/10/2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Đến nay, hai bên đã cắm được 2.047  mốc quốc giới (bao gồm cả mốc chính, mốc phụ) và 221 cọc dấu; phân giới được khoảng 1.045 km đường biên giới tương ứng với khoảng 84% khối lượng công việc.

Lễ Kỷ niệm 55 năm thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Toàn bộ thành quả được thể hiện đầy đủ, chi tiết trên bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1:25.000 đính kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia vừa được Thủ tướng Chính phủ hai nước ký kết.

Như vậy, sau khi hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền với Trung Quốc vào năm 2009, hoàn thành công tác tăng dày tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với CHDCND Lào vào năm 2016 cùng với việc ký Nghị định thư phân giới cắm mốc với Campuchia vừa qua, đến nay, về cơ bản Việt Nam đã xây dựng được một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các quốc gia lân cận.

Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống trạm CORS trên phạm vi cả nước

Từ năm 2016 Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ xây dựng và vận hành hệ thống trạm CORS. Qua 4 năm thực hiện, đến nay, hệ thống đã đi vào hoạt động với 65 trạm phân bố trên phạm vi cả nước và trong tương lai sẽ tiếp tục chêm dày lên tới 160 trạm để nâng cao độ chính xác hơn nữa.

Với ưu điểm có độ chính xác cao, thời gian định vị nhanh, công nghệ trạm CORS được dự báo sẽ dần thay thế các công nghệ đo đạc truyền thống trong tương lai. Ngoài lĩnh vực đo đạc và bản đồ, công nghệ này còn được ứng dụng hiệu quả trong công tác định vị, dẫn đường, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, quản lý phương tiện thiết bị và là một thành phần không thể thiếu trong việc xây dựng các thành phố thông minh, vận tải hàng hóa.

Việc ứng dụng công nghệ trạm CORS vào các hoạt động đo đạc bản đồ là một bước tiến lớn của ngành. Trước đây, chúng ta đã thành công khi ứng dụng công nghệ GPS trong xây dựng các mạng lưới trắc địa, công nghệ đo vẽ ảnh số trong thành lập bản đồ địa hình, công nghệ LiDar trong xây dựng mô hình số độ cao… ngày nay, với việc ứng dụng công nghệ trạm CORS, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Phan Ngọc Mai