Bà Rịa - Vũng Tàu: Giám sát chặt việc thực hiện đánh giá tác động môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 17:31, 06/12/2019
ĐTM là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để buộc các doanh nghiệp chấp hành quy định về bảo vệ môi trường |
Còn nhiều bất cập
Theo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ĐTM trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ” của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy: Quy trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ ĐTM ở tỉnh hiện nay còn trải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn đến thời gian kéo dài; nhiều hồ sơ còn chậm ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và Quyết định phê duyệt ĐTM,.
Do đó, dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn còn nhiều. Cụ thể, giai đoạn từ 2015 - 2018 chỉ có 31/132 hồ sơ chiếm 23,5%; còn giai đoạn 2018 - 2019 chỉ có 03/20 hồ sơ, chiếm 15%. Đồng thời, việc theo dõi các cơ sở, dự án theo quy định phải lập ĐTM còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo danh sách thì trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính đến nay có 37 cơ sở, dự án chưa lập ĐTM.
Trên thực tế nhiều cơ sở, dự án thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ chưa thực hiện thủ tục ĐTM, như: Chợ hạng 1, 2 trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn; cơ sở lưu trú du lịch từ 50 phòng trở lên; siêu thị, trung tâm thương mại có diện tích sàn từ 10.000 m2 trở lên; các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác từ 50 giường trở lên; khu dân cư từ 500 người sử dụng hoặc 100 hộ trở lên và mội số các loại hình khác.
Cũng theo Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay về việc chấp hành các quy định của pháp luật về ĐTM chủ cơ sở, dự án chưa cao. Cụ thể, trong 152 cơ sở, dự án đã được phê duyệt ĐTM, thì có 48 cơ sở, dự án không thực hiện báo cáo môi trường định kỳ theo quy định. Nhiều cơ sở, dự án; nhất là cơ sở chế biến hải sản, chăn nuôi không thực hiện được các thủ tục về môi trường do xây dựng không phép, trái phép, không đúng quy hoạch.
Theo kết quả kiểm tra, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 1.161 trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên, trong đó có 105 trang trại nằm ngoài quy hoạch; có 84 cơ sở, trang trại chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường, trong đó, phần lớn các trang trại đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như: không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường…
Tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xả thải của doanh nghiệp ở đầm nước trước Cống số 6, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ đã gây ra hiện tượng nước "màu tím" |
Tăng cường các giải pháp
Theo đánh giá của Đoàn Giám sát, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù Sở TN&MT và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ĐTM; thẩm định, phê duyệt ĐTM; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; rà soát, xử lý các cơ sở theo quy định phải lập ĐTM nhưng chưa thực hiện.
Cùng với đó, việc thực hiện còn chưa quyết liệt nên hiệu quả mang lại chưa cao. Ngoài ra, do thời gian trước đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư, nhưng việc thu hút chưa được chọn lọc, dẫn đến nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, như: luyện thép, nhuộm, thuộc da... ảnh hưởng đến môi trường.
Qua kết quả giám sát, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc tổ chức triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về ĐTM; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các cơ sở, chủ dự án nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý môi trường bên ngoài KCN.
Trong đó, quy chế cần quy định cụ thể đầu mối, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc theo dõi, giám sát, kiểm tra ĐTM đã được phê duyệt; việc theo dõi, rà soát các cơ sở, dự án phải lập ĐTM nhưng chưa lập; cơ chế tiếp nhận, phản hồi và xử lý thông tin khi xảy ra hành vi vi phạm về môi trường, sự cố về môi trường, công khai đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp biết, phản ánh về các vi phạm về môi trường.
Đồng thời, xử lý dứt điểm các cơ sở, dự án trước đây đã đi vào hoạt động chưa có báo cáo ĐTM theo quy định hiện hành; có giải pháp quản lý và phối hợp quản lý để không làm phát sinh mới hoặc tái diễn các trường hợp tương tự; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở, dự án đã được phê duyệt ĐTM cũng như các cơ sở, dự án theo quy định phải có ĐTM nhưng đến nay chưa thực hiện; kịp thời hướng dẫn các cơ sở, dự án thực hiện các thủ tục về môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, tổ chức quản lý, vận hành Trung tâm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động có hiệu quả, kịp thời cung cấp các thông tin về quan trắc phục vụ cho việc giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thực hiện việc công bố và thông tin các dữ liệu quan trắc môi trường trên các bảng điện tử tại các khu vực công cộng để người dân giám sát.
Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN định kỳ hàng quý tham mưu UBND tỉnh tổ chức giao ban với các Sở, ngành và các địa phương về công tác bảo vệ môi trường, từ đó kịp thời tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là tiến độ, kết quả xử lý các điểm đen về môi trường, các cơ sở, dự án theo quy định phải lập ĐTM nhưng chưa thực hiện.
Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, tăng cường công tác theo dõi, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện các cơ sở xây dựng không phép, trái phép; kiên quyết xử lý dứt điểm, cưỡng chế ngay từ đầu, tránh tình trạng khi cơ sở đã xây dựng xong, hình thành đi vào hoạt động và gây ô nhiễm môi trường thì việc xử lý gặp nhiều khó khăn gây bức xúc cho người dân.