Sơn La tập trung quyết sách bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 11:16, 05/12/2019

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 1970/QĐ-UBND về kế hoạch và kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2020 - 2022) từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La.

Năm 2020, tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung các nguồn lực bảo vệ môi trường, xử lý dứt điểm ô nhiễm khu vực đầu nguồn nước, đặc biệt là ô nhiễm từ chế biến cà phê, dong, sắn, chăn nuôi tại huyện Thuận Châu (Mai Sơn, TP. Sơn La).

Siết chặt thanh, kiểm tra

Năm 2019 và giai đoạn 3 năm 2017 - 2019, tỉnh Sơn La đã triển khai lồng ghép bảo vệ môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Đa dạng sinh học, các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương. Củng cố tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh, huyện. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sở TN&MT Sơn La kiểm tra bảo vệ môi trường cơ sở sơ chế cà phê tại xã Hua La, TP. Sơn La

Tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện như giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, nguyên nhân, tác hại, cách phòng chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước sạch, biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu về bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Môi trường đô thị, vùng nông thôn và khu dân cư tập trung từng bước được cải thiện.

Thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai thường xuyên. Sơn La đặc biệt yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ với các cơ sở có lượng chất thải lớn, các cơ sở nằm ở khu vực đầu nguồn nước, các cơ sở khai thác khoáng sản.

Kết quả, năm 2017, Sơn La đã tiến hành 12 cuộc thanh, kiểm tra bảo vệ môi trường với trên 80 cơ sở; tiến hành kiểm tra với các cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm tại  3 huyện, thành phố… Ban hành quyết định đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường do phát sinh nước thải sơ chế cà phê chưa qua xử lý với 37 cơ sở; lập hồ sơ xử lý vi phạm với 5 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tập trung. Kết quả phát hiện các vi phạm chủ yếu không có hồ sơ, thủ tục về môi trường, không xây dựng công trình xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường; không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại…

Năm 2018, tiến hành kiểm tra 10 cơ sở, tập trung vào các cơ sở gây ô nhiễm như: Các cơ sở chăn nuôi tập trung, chế biến tinh bột sắn, chế biến cà phê. Sau các đợt thanh, kiểm tra đều ban hành kết luận kiểm tra và văn bản đôn đốc khắc phục.

Năm 2019, đã triển khai kiểm tra rà soát với 65 nhà máy thủy điện, trong đó, có nội dung chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. 6 tháng đầu năm 2019, Sở TN&MT đã triển khai 5 cuộc thanh, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường với 17 tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, chăn nuôi, chế biến nông sản… Qua đó, phát hiện các sai phạm chủ yếu: Thực hiện giám sát môi trường xung quanh không đúng, không đầy đủ, thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định… Qua thanh, kiểm tra, toàn tỉnh đã ban hành 65 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Tập trung BVMT chế biến nông sản

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, tới thời điểm hiện tại, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2019 theo Kế hoạch đã đề ra cơ bản đáp ứng tiến độ. Hoạt động thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường

Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường được nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thực hiện công bố, cải cách thủ tục hành chính về môi trường, rút ngắn thời gian thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định. Hoạt động quan trắc môi trường tỉnh, quan trắc môi trường nước các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường được chỉ đạo, triển khai kịp thời.

Năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh Sơn La tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh. Theo đó, tập trung bảo vệ môi trường đầu nguồn nước, xử lý dứt điểm ô nhiễm khu vực đầu nguồn nước, đặc biệt, do ô nhiễm từ chế biến cà phê, dong, sắn, chăn nuôi tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn, TP. Sơn La.

Hết năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt hơn 44,5%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94%; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đô thị đạt 92,5%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 89% chất thải rắn đô thị được thu gom; 100% chất thải y tế được xử lý...

Tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản, khai thác khoáng sản… Nâng cao chất lượng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, nhất là các cơ sở phát sinh chất thải lớn, yêu cầu các cơ sở đầu tư hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt tại TP. Sơn La, Thuận Châu, Mai Sơn do sản xuất, chế biến cà phê bằng phương pháp ướt. Phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê áp dụng các biện pháp xử lý nước thải, chất thải cà phê theo hướng tái sử dụng làm phân bón và không gây ô nhiễm. Triển khai hậu kiểm các báo cáo đánh giá tác động môi trường, tập trung vào cơ sở chế biến cà phê, nhà máy sắn, cơ sở chăn nuôi tập trung, các cơ sở phát sinh chất thải lớn.

Dự kiến, tổng dự toán chi sự nghiệp môi trường giai đoạn 2020 - 2022 của tỉnh Sơn La là hơn 533 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 là hơn 184 tỷ đồng, thực hiện một số nhiệm vụ môi trường trọng tâm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; tuyên truyền phổ biến pháp luật; đào tạo tập huấn; hỗ trợ thanh, kiểm tra, kiểm tra xác nhận công trình, biện pháp, kiểm soát ô nhiễm môi trường... Đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh; hỗ trợ xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xử lý rác thải nhựa tại TP. Sơn La và huyện Mộc Châu; thực hiện các nhiệm vụ về giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh...

Tập trung xử lý môi trường khu vực nông thôn; nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình tự quản môi trường, xã hội hóa thu gom rác thải với một số xã nông thôn mới. Triển khai tuyên truyền, phổ biến bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường với các thủy điện, các cơ sở khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.

Duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả các công trình xử lý chất thải đã đầu tư đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để, không để các cơ sở này tái gây ô nhiễm. Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo các vấn đề môi trường có thể phát sinh, kịp thời có biện pháp phòng, chống các sự cố, ô nhiễm môi trường có thể xảy ra…

Nguyễn Nga