Lào Cai giữ rừng bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 20:41, 03/12/2019

(TN&MT) - Sau gần 7 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở Lào Cai, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân hầu hết đã nâng cao được ý thức bảo vệ rừng. Đồng thời, người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện đang thu 4 loại dịch vụ môi trường rừng là các nhà máy thủy điện, Công ty nước sạch, du lịch, nước công nghiệp. Năm 2018, tổng diện tích rừng của tỉnh Lào Cai được chi trả DVMTR là 221.652,9 ha và đã chi trả trên 83,5 tỷ đồng thu được từ 44 nhà máy thủy điện và 13 công ty cung cấp nước sạchnhà máy nước, 36 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và 12 nhà máy công nghiệp đã tiếp nhận hơn 103 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 118% kế hoạch năm.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, tỉnh Lào Cai đã thu về 123/96,5 tỷ đồng từ DVMTR, đạt 128% kế hoạch năm và đã chi 86,2 tỷ đồng cho các chủ rừng được hưởng DVMTR.

Chi trả tiền DVMTR đã làm giảm 80% các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo ông Nguyễn Văn Vui, Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, việc bảo vệ và phát triển rừng  trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Hơn nữa, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng DVMTR.

Xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn là một trong những địa phương được chi trả DVMTR. Nhờ có DVMTR mà tỷ lệ che phủ rừng của xã từ 50% vào năm 2012 đến nay đã là 64%. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR là động lực để bà con trong xã tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

 Ngươi dân tích cực bảo vệ và chăm sóc rừng nhờ chính sách chi trả tiền DVMTR.

Anh Phùng Tỏn Nhỉn, một thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng của xã Nậm Xé huyện Văn Bàn cho biết: Trước kia, khi chưa có DVMTR, lương của tôi chỉ được có 15 triệu/năm. Từ năm 2012 tới nay, nhờ có chính sách chi trả DVMTR  mà lương của tôi đã cao hơn gấp 3 - 4 lần. Tôi và gia đình rất phấn khởi vì kinh tế đỡ chật vật và cũng yên tâm hơn với công việc bảo vệ rừng của mình.  

Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện tại huyện Văn Bàn từ năm 2012 đến nay đã tạo được nguồn lực ổn định để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên rõ rệt, người dân tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn thu nhập của mỗi gia đình.

Trước khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, tại các huyện vùng cao như Sa Pa, Văn Bàn thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng để làm nương rẫy… Từ khi triển khai chính sách này, các vụ cháy rừng đã giảm rõ rệt, số vụ cháy rừng đã giảm trên 80%, bởi khi được giao khoán bảo vệ rừng, người dân nơi đây bước đầu có ý thức và trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng.

Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lào Cai được tăng lên rõ rệt từ chính sách chi trả DVMTR

Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai đã thành lập các tổ để tuyên truyền nâng cao nhận thức về dịch vụ chi trả môi trường rừng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn các cấp, cho chủ rừng về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, kiểm tra, giám sát việc rà soát, xây dựng phương án diện tích rừng, đối tượng được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi trả tiền DVMTR đến từng hộ dân. Đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đề xuất của nhân dân về chính sách chi trả tiền DVMTR.

Có thể thấy chính sách chi trả DVMTR đã mang lại lợi ích kép cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thủy điện và công ty nước sạch, công ty du lịch ..) và bên cung ứng rừng (các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng). Bên sử dụng có nguồn nước điều tiết thủy điện, đảm bảo sản xuất điện năng và có nguồn nước sạch để cung cấp phục vụ cho người dân, bên cung ứng thì có thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.

Bích Hợp