Giá nước sạch - Không phải càng hiện đại, càng đắt tiền

Kinh tế - Ngày đăng : 14:58, 03/12/2019

(TN&MT) - Từ sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu, câu chuyện nước sạch và cung cấp nước sạch đảm bảo an toàn đến người dân đang được xã hội quan tâm. Những băn khoăn về chất lượng nước sạch, giá nước sinh hoạt đã được nêu ra tại Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt, vừa tổ chức tại Hà Nội.

Mỗi địa phương, một mức giá khác nhau

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, định giá nước sinh hoạt đã được quy định rất chi tiết trong Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT.

Theo ông Thỏa, Bộ Tài chính quy định khung giá nước sạch sinh hoạt, UBND cấp tỉnh quyết định biểu giá cụ thể. Công ty nước sạch quyết định giá bán nhưng phải nằm trong biểu giá của tỉnh. Đa số tỉnh quyết định mức giá bình quân đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%. Tuy vậy, cũng có tỉnh áp giá nước thấp hơn chi phí sản xuất.

Người dân chung cư HH Linh Đàm xếp hàng chờ lấy nước sạch

Các cơ quan thẩm quyền đã ban hành quy định khi xây dựng biểu giá nước sinh hoạt “phải tính đúng, tính đủ trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật”, tuy vậy, định mức do Bộ Xây dựng ban hành chỉ để các tỉnh tham khảo. Do đó, mỗi tỉnh có một biểu giá nước khác nhau, thậm chí, cùng địa phương các công ty nước sạch cũng có giá bán khác nhau.

Ông Thỏa cho rằng, có ba lý do dẫn đến giá nước sạch cùng một địa phương khác nhau. Thứ nhất đầu vào sản xuất ra nước sạch (nước ngầm hay nước mặt) kéo theo chi phí xử lý khác nhau. Thứ hai là điều kiện thực tế của cơ cấu nguồn vốn, nếu nhà đầu tư vay 80% tổng mức đầu tư, giá thành sẽ khác vay 50%, trong khi pháp luật cho phép tính lãi vay vào giá thành. Thứ ba, chi phí khấu hao tài sản cũng là một cấu phần của giá thành; tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất vẫn sử dụng nhưng không tính vào giá.

Mặt khác, hình thành giá còn có các yếu tố như điều kiện sản xuất, phương thức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp...

Công cụ tính giá còn “thiếu sót”

Chia sẻ về việc áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương hiện nay, ông Thỏa cho hay, về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá bao gồm: Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch, Văn bản Thông tư liên tich số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, đi kèm có Thông tư 88 của Bộ Tài chính đã quy định rất chi tiết cụ thể về căn cứ, phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá…

“Tính đến nay, các Thông tư còn khá phù hợp, tuy vậy, thời gian tới, sẽ phải có những chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế”, ông Thỏa đánh giá.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, quy định về suất đầu tư của Bộ Xây dựng còn thiếu, chưa đầy đủ.

Theo ông Dương, không phải cứ công nghệ tiên tiến thì đắt tiền. Công nghệ hiện đại giúp chúng ta hạ giá thành. Ví dụ như máy biến tần, giúp máy bơm nước đáp ứng nhu cầu mạng lưới, rất tiết kiệm điện. Nếu có định mức về công nghệ hiện đại cơ quan quản lý giá hoàn toàn kiểm tra được điều này.

“Tôi cho rằng, cả nước sông Đuống, hay nước sông Đà đều thiếu các công cụ tính giá, các cơ quan quản lý giá địa phương rất vất vả để định giá. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho phép đưa chi phí thất thoát nước vào giá thành. Đây là điều rất vô lý, bởi “thất thoát nước thương mại do kỹ năng quản lý vận hành của đơn vị cấp nước, hệ thống bán hàng, đồng hồ đo nước sai số… không thể bắt khách hàng phải chịu”, ông Dương nhấn mạnh.

Phân tích thêm “nước thất thoát” bao gồm cả nước thất thoát vật lý (vỡ ống, rò rỉ trên đường ống, rò rỉ trên mạng lưới…) và nước thất thoát thương mại, ông Dương kiến nghị, nên tách ra rõ ràng hai cấu phần để xác định giá nước.

Cần hài hòa lợi ích 3 bên

Với góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đăng Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định chia sẻ, nếu như trước đây, trong vai trò là Công ty TNHH MTV mục tiêu hoạt động chỉ cần bảo toàn vốn không làm thất thoát vốn của Nhà nước, có thể không cần có lợi nhuận, nhưng hiện nay, doanh nghiệp đã cổ phần hóa trở thành công ty tư nhân. Lúc này, doanh nghiệp cần tối đa hóa lợi nhuận, vay vốn đầu tư cần trả lãi ngân hàng, trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông.

Không đồng ý trợ giá mua nước sạch sông Đuống

Thường trực HĐND TP. Hà Nội không đồng ý với nội dung UBND TP. Hà Nội trình xin ý kiến về phương án dùng ngân sách bù giá mua nước sạch sông Đuống.

Trước đó, tháng 12/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng và Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty Nước mặt sông Đuống cùng đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán của Nhà máy Nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3. Đồng thời, đề xuất phương án cấp bù phần thua lỗ của Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội hơn 118 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỷ đồng; cấp bù cho Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống khoảng 43 tỷ đồng.

Thư Kỳ

Nghị định 57 năm 2018 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tuy vậy, tỉnh lại không có chính sách hỗ trợ, nhiều đơn vị dễ sa lầy. Do vậy, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để hài hòa lợi ích giữa 3 bên là doanh nghiệp, Nhà nước và người dân.

“Mức giá cần xem xét tính đến lợi ích của 3 thành tố tham gia thị trường. Trong đó, doanh nghiệp phải “tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý - hợp lệ”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Tuyết Chinh